Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và WTI từ ngày 19/4 - 20/5/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 19/5 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai giảm mạnh 3% xuống 66,66 USD/ounce; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 3,3% xuống mức 63,36 USD/ounce. Cả hai loại dầu thô đều chạm mức thấp nhất kể từ ngày 27/4 trở lại đây. Trong phiên giao dịch đã có lúc giá dầu thô WTI giảm đến hơn 5%.  

Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh thị trường ngày càng gia tăng lo ngại việc dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia Châu Á sẽ khiến đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô gặp khó khăn. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng lo ngại áp lực lạm phát tăng cao sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sớm siết chặt các biện pháp kích thích kinh tế đối với Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giá dầu thô cũng chịu áp lực giảm từ lo ngại Hoa Kỳ và Iran đạt những đột phá trong thoả thuận hạt nhân, mở đường cho việc Iran tăng cường đáng kể lượng dầu thô xuất khẩu. Điều này sẽ khiến nguồn cung dầu thô toàn cầu tăng thêm từ 1 – 2 triệu thùng dầu/ngày, theo các chuyên gia phân tích.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 18/5, giá dầu thô Brent đã có lúc vượt ngưỡng 70 USD/thùng, chạm mức cao nhất trong 10 tuần trở lại đây khi tâm lý thị trường lạc quan về triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô. Kể từ đầu tuần này, Vương quốc Anh chính thức nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và lên kế hoạch trở lại bình thường vào tháng 6 tới đây. Hàng loạt quốc gia Châu Âu cũng nới lỏng các biện pháp hạn chế du lịch và di chuyển khi tốc độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại khu vực này được đẩy nhanh.

Dữ liệu cũng cho thấy nhu cầu sử dụng xăng của Hoa Kỳ đã tăng mạnh lên mức 9,2 triệu thùng/ngày trong tuần trước – mức cao nhất kể từ tháng 3/2020. Lượng tồn trữ dầu thô tại nước này trong tuần trước cũng tăng thấp hơn dự báo của giới chuyên gia.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 19/5, tâm lý lo ngại đã bao trùm toàn bộ thị trường khi hàng loạt quốc gia tại Châu Á như Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan và Singapore ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao trở lại với sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 Ấn Độ. Điều này làm dấy lên lo ngại về một làn sóng bùng phát dịch mới tại khu vực Châu Á.

Biên bản họp của FED trong tháng /2021 vừa được công bố cho thấy một số quan chức của FED phát đi những dấu hiệu cho thấy có thể cân nhắc việc thay đổi chính sách tiền tệ dựa trên sự phục hồi mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Chỉ số US Dollar Index, đo lường sự biến động của đồng USD với các đồng tiền chủ chốt khác, đã bật tăng trở lại từ đáy tháng 1/2021 sau những thông tin này. Đồng USD mạnh lên khiến các hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên kém hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nắm giữ ngoại tệ khác.