Giá dầu thô mất mốc 100 USD/thùng, hoạt động sản xuất tại hàng loạt nền kinh tế lớn suy giảm mạnh

Trong phiên giao dịch sáng nay, giá dầu thô Brent tiếp tục chịu áp lực giảm, xuống còn 99,20 USD/thùng trong bối cảnh hàng loạt dữ liệu mới cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp tại nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, khu vực EU, Nhật Bản…. đều suy giảm mạnh trong tháng 7.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (oilprice.com)

 

Vào lúc 10h00 sáng nay ngày 2/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 tiếp tục giảm 0,89% xuống còn 99,20 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 cũng giảm 0,68% xuống mức 93,25 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 1/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giảm 3,8%, xuống mức 100,03 USD/thùng. Giá dầu thô WTI cũng sụt giảm tới 4,8%, xuống còn 93,89 USD/thùng.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh các dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất của một số nền kinh tế lớn suy yếu. Cụ thể, Viện Quản lý Cung ứng Hoa Kỳ (ISM) cho biết hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ trong tháng 7 chỉ đạt 52,8 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ hồi tháng 6/2020 - thời điểm toàn bộ ngành công nghiệp Hoa Kỳ bị đình trệ vì đại dịch Covid-19. Chỉ số trên 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất đã được mở rộng và ngược lại.

Dữ liệu chi tiết của ISM còn cho thấy chỉ số đơn hàng mới của ngành công nghiệp Hoa Kỳ chỉ đạt 48 điểm, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số này ở dưới mức 50 điểm. Điều này có thể cho thấy hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục suy yếu trong những tháng tới đây. Hoạt động sản xuất công nghiệp hiện chiếm khoảng 11,9% tổng nền kinh tế Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã và đang nâng mạnh lãi suất cơ bản ở mức nhanh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây nhằm kiềm chế lạm phát. Điều này càng khiến nhiều nhà phân tích lo ngại nền kinh tế Hoa Kỳ đang dần rơi vào suy thoái.

Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), do hãng nghiên cứu thị trường S&P Global thực hiện, chỉ đạt 49,8 điểm trong tháng 7 vừa qua. Đây là lần đầu tiên chỉ số này tại Eurozone giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm kể từ hồi tháng 6/2020. Khảo sát của hãng tin Reuters trong tháng 7 cho thấy có 45% khả năng Eurozone sẽ rơi vào suy thoái.

Tại khu vực châu Á, chỉ số PMI Caixin/Markit trong lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc chỉ đạt 50,4 điểm trong tháng 7, giảm đáng kể so với mức 51,7 điểm hồi tháng 6 và thấp hơn mức kỳ vọng của giới phân tích. Giới phân tích nhận định dữ liệu này cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kém khả quan hơn so với kỳ vọng trước đây.

Tại Nhật Bản, chỉ số PMI Jibun Bank trong tháng 7 đạt 52,1 điểm - mức thấp nhất trong 10 tháng trở lại đây. Chỉ số PMI S&P Global trong lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc cũng giảm mạnh từ 51,3 điểm trong tháng 6 xuống còn 49,8 điểm trong tháng 7, đây là mức thấp nhất kể từ hồi tháng 9/2020.

Tất cả những thông tin này khiến triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới kém tích cực hơn. Bên cạnh đó, tâm lý giới đầu tư đang tương đối thận trọng khi chờ đợi các thông tin từ phiên họp chính sách khai thác tháng 9 của liên minh OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 3/8 tới đây.

Hãng tin Reuters dẫn lời 2 trong số 8 nguồn tin từ liên minh OPEC+ cho biết OPEC+ sẽ thảo luận về việc tăng nhẹ sản lượng khai thác trong tháng 9, số nguồn tin còn lại cho biết nhiều khả năng sản lượng khai thác của OPEC+ sẽ được giữ ổn định trong thời gian tới.

Chuyên gia phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters nhận định nếu giá dầu thô Brent giảm sâu xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 102,68 USD/thùng thì sẽ kích hoạt một làn sóng bán tháo, đẩy giá dầu thô xuống ngưỡng từ 99,52 USD – 101,26 USD/thùng.

Tường Vy