giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6/2022 giảm nhẹ 0,57% xuống mức 104,88 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 0,25% xuống 101,68 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 27/4, giá dầu thô Brent tăng nhẹ 33 cents, đạt 105,32 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng tăng 32 cents lên 102,02 USD/thùng. Mặc dù giới đầu tư đang lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu sẽ suy giảm vì đợt bùng phát Covid-19 mới tại Trung Quốc nhưng thị trường được nâng đỡ phần nào sau thông tin Nga ngưng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.

Từ ngày 27/4, tập đoàn năng lượng Gazprom thuộc Chính phủ Nga đã dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria do hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng Ruble Nga. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng trực tiếp “vũ khí năng lượng” đối với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.

Trong quá khứ, nguồn cung khí đốt từ Nga sang EU đã vài lần bị gián đoạn trong ngắn hạn nhưng chủ yếu là do các tranh cãi giữa Nga và Ukraine trong hợp đồng vận chuyển khí đốt. Động thái mới nhất của Nga sẽ khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung năng lượng không chỉ ở châu Âu mà trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn.

EU đang bị chia rẽ mạnh về việc ngưng nhập khẩu khí đốt từ Nga. Một số quốc gia EU phụ thuộc mạnh vào nguồn cung khí đốt từ Nga như Đức và Áo đã cảnh báo nền kinh tế EU sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu như ngưng nhập khẩu khí đốt từ Nga và Hungary cho biết sẽ đồng ý thanh toán tiền mua khí đốt từ Nga bằng đồng Ruble. Trong khi đó, Ba Lan cho biết sẽ cấm nhập khẩu tất cả than, khí đốt và dầu mỏ từ Nga vào cuối năm nay, mặc dù nguồn cung khí đốt từ Nga đáp ứng tới 45% tổng nhu cầu khí đốt của nước này.  

Ngược lại, giá dầu thô chịu áp lực tiêu cực từ thông tin lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước chỉ giảm 692.000 thùng, thấp hơn mức dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó. Đồng thời, việc đồng USD neo ở mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây so với các đồng tiền chủ chốt khác của thế giới cũng khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD trở nên kém hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.

Thị trường hiện tập trung quan sát căng thẳng giữa Nga và EU về vấn đề nguồn cung năng lượng và diễn biến đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Một số nhà quan sát cảnh báo Chính phủ Trung Quốc có thể buộc phải phong toả Bắc Kinh như Thượng Hải hiện tại để kiểm soát làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần này. Nhiều tổ chức kinh tế lo ngại các biện pháp phong toả chặt chẽ, kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc cũng như nền kinh tế toàn cầu.