giá dầu thô
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 11/7 - 11/8/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 13h00 chiều nay ngày 11/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đạt 70,52 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đạt 68,15 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 10/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai đã bật tăng 2,3% lên 70,63 USD/thùng; giá dầu thô WTI giao tương lai cũng tăng 2,7% lên 68,29 USD/thùng. Thị trường hiện kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phục hồi bất chấp số ca nhiễm mới Covid-19 đang tăng cao trở lại.

Trong phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu thô quốc tế đã sụt giảm mạnh 2,5% khi thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ suy yếu khi đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta tái bùng phát nghiêm trọng tại nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc.

Ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch hãng tư vấn tài chính và năng lượng Ritterbusch & Associates LLC (Hoa Kỳ), cho biết hiện rất khó để đưa ra dự báo xu hướng giá dầu thô trong ngắn hạn trong bối cảnh thị trường vẫn chưa xác định được mức độ ảnh hưởng của biến thể virus Covid-19 Delta lên nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu; đặc biệt, dữ liệu về thị trường Trung Quốc thường kém rõ ràng hơn so với các thị trường khác như Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Trung Quốc hiện đang đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch lần đầu tiên xuất hiện tại nước này hồi năm ngoái. Các ca nhiễm mới Covid-19 đã xuất hiện rải rác tại 17 tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc và buộc nước này phải áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tại Hoa Kỳ, số ca nhiễm mới Covid-19 đã lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh sẽ không tái áp đặt các biện pháp phong toả diện rộng như trước đây để phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời, dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn đang trong quá trình phục hồi tốt; tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 vừa qua tại nước này đã giảm còn 5,4% - mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại Hoa Kỳ hồi tháng 3/2020.

Bộ Năng lượng Hoa Kỳ nhận định số việc làm mới được tạo ra tăng lên cùng với sự phục hồi hoạt động di chuyển sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nước này. Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhấn mạnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn hồi năm 2019 cho đến năm 2022 do một bộ phận người lao động tiếp tục làm việc tại nhà.

Khảo sát mới nhất của hãng tin Reuters cho thấy giới phân tích kỳ vọng lượng tồn trữ dầu thô và các sản phẩm lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ đã giảm xuống trong tuần trước. Dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố trong ngày 11/8 (theo giờ địa phương).

Thượng viện Hoa Kỳ vừa thông qua dự luật ngân sách khổng lồ trị giá 1.000 tỷ USD dành cho phát triển cơ sở hạ tầng theo đề xuất của Tổng thống Joe Biden. Dự luật này sẽ được chuyển xuống Hạ viện Hoa Kỳ để tiếp tục bỏ phiếu trước khi được trình ký với ông Joe Biden. Nếu chính thức có hiệu lực, đạo luật này sẽ dành 1.000 tỉ USD cho các dự án xây dựng cầu và đường trên khắp Hoa Kỳ trong 5 năm tới và các chương trình xã hội mới trong thập kỷ tới.

Giới quan sát kỳ vọng gói ngân sách khổng lồ này sẽ thúc đẩy đà phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ sau đại dịch Covid-19, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này.