Giá dầu thô phục hồi nhẹ sau 3 phiên lao dốc liên tiếp, tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ chạm đáy

Sau 3 phiên lao dốc liên tiếp, giá dầu thô quốc tế có dấu hiệu phục hồi trở lại, chạm mức 74 USD/thùng nhờ dữ liệu mới cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ đạt mức cao nhất kể từ năm 2019; trong khi đó, lượng tồn trữ dầu thô tiếp tục giảm mạnh.
Giá dầu thô
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 9/6 - 9/7/2021 (Ảnh: Oil Price)

Vào lúc 11h00 sáng nay ngày 9/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã phục hồi trở lại, tăng lên mức 74,07 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng nhẹ lên mức 72,96 USD/thùng.

Giá dầu thô được nâng đỡ, tăng trở lại sau 3 phiên lao dốc liên tiếp nhờ các dữ liệu cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2019. Đồng thời, dữ liệu mới nhất của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại nước này trong tuần trước đã giảm mạnh 6,9 triệu thùng, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Mức giảm này cũng cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 4 triệu thùng được giới phân tích đưa ra trước đó. Lượn tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ đã liên tục giảm mạnh trong vài tuần gần đây, phản ánh nhu cầu sử dụng đang tăng cao trở lại.

Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ được dự báo sẽ chỉ ở mức 11,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm 0,21 triệu thùng/ngày so với hồi năm ngoái và thấp hơn đáng kể so với mức cao kỷ lục 13 triệu thùng/ngày được xác lập trong năm 2019.

Trong 3 phiên giao dịch từ ngày 5/7 – 7/7, giá dầu thô quốc tế đã lao dốc, mất hơn 5% khi giới đầu tư lo ngại những bất đồng trong nội bộ liên minh OPEC+ hiện nay có thể khiến nguồn cung dầu thô tăng mạnh, thậm chí dẫn đến một cuộc chiến giá dầu thô mới.  

Phiên họp điều hành chính sách khai thác dầu thô tháng 8/2021 vừa qua của liên minh OPEC+ đã buộc phải huỷ bỏ khi Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) kiên quyết đòi nâng sản lượng khai thác của mình cao hơn mức phân bổ theo kế hoạch do Ả-rập Xê-út và Nga đề xuất. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu; UAE hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ 3 khối OPEC.

Việc không đạt được thống nhất kế hoạch hành động chung có thể khiến UAE cũng như các quốc gia thành viên khác tự nâng sản lượng khai thác nhằm tận dụng lúc giá dầu thô còn ở mức cao và nhu cầu thị trường đang phục hồi mạnh. Hồi tháng 3/2020, Nga đã rời bỏ liên minh OPEC+ sau những bất đồng về chính sách khai thác sản lượng và kích hoạt cuộc chiến giá dầu nhằm cạnh tranh thị phần với Ả-rập Xê-út.

Ông Edward Moya, nhà phân tích cấp cao tại hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ), nhận định thị trường dầu mỏ đang tập trung quan sát khả năng thiếu hụt nguồn cung trong tháng 8 tới đây và khả năng thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ sẽ đổ vỡ trước khi hết hạn vào tháng 4/2022. Sự đổ vỡ của liên minh OPEC+ sẽ khiến các quốc gia thành viên đẩy mạnh sản lượng khai thác nhằm gia tăng thị phần, theo ông Edward Moya.

Quang Đặng