Giá dầu thô phục hồi, thị trường lo ngại suy giảm nguồn cung từ Libya và Nga

Giá dầu thô thế giới đã tăng nhẹ trở lại trong phiên giao dịch sáng nay ngày 21/4, thị trường hiện chịu sự chi phối giữa rủi ro suy giảm nguồn cung từ Libya và Nga, và lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô giảm vì các biện pháp phong toả của Trung Quốc.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Cụ thể, vào lúc 11h30 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6/2022 tăng 0,3% lên 107,78 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2022 tăng nhẹ 0,19% lên 102,75 USD/thùng.

Giới phân tích nhận định giá dầu thô sẽ còn tiếp tục biến động trong thời gian tới trong bối cảnh Liên minh châu Âu vẫn đang xem xét việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga nhằm gây sức ép với cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.

Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) vừa cho biết sản lượng khai thác dầu thô của nước này đã giảm hơn 550.000 thùng/ngày do các mỏ khai thác dầu chính cũng như các cảng xuất khẩu dầu thô lớn bị ngưng hoạt động vì các cuộc biểu tình quy mô lớn. NOC đã buộc phải tuyên bố tình trạng “bất khả kháng” đối với các hợp đồng cung ứng dầu thô.

Libya hiện là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) với mức sản lượng đạt khoảng 1,11 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Hiện tại, liên minh OPEC+, bao gồm OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nâng sản lượng khai thác thêm như mục tiêu đề ra.

Sự suy giảm nguồn cung từ Libya sẽ càng khiến thị trường quốc tế đối mặt với áp lực thiếu hụt nguồn cung lớn hơn khi nguồn cung dầu thô từ Nga được nhận định sẽ tiếp tục giảm xuống kể từ tháng 5 tới đây. Giá dầu thô hiện còn được nâng đỡ nhờ dữ liệu cho thấy lượng dữ trữ dầu thô của Hoa Kỳ đã giảm mạnh trong tuần kết thúc vào ngày 15/4.

Thị trường hiện đang tập trung quan sát diễn biến nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp phong toả chặt chẽ tại nhiều thành phố lớn của nước này để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới do biến chủng Omicron gây ra.

Các biện pháp phong toả này khiến hoạt động sản xuất tại đây bị đình trệ cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời, gây sụt giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 xuống còn 3,6%, giảm 0,8% so với dự báo gần nhất do lo ngại các biện pháp phong toả của Trung Quốc sẽ tiếp tục khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy.

Tường Vy