EU hiện đang chịu áp lực lớn trong việc ngưng nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga như một biện pháp làm suy yếu nền kinh tế Nga trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Tuy nhiên, hành động này sẽ khiến EU thiếu đi một nguồn cung ứng năng lượng quan trọng. Dữ liệu của Cơ quan Thống kê EU (Eurostat) cho thấy khoảng 25% tổng lượng dầu thô được EU nhập khẩu trong năm 2021 là đến từ Nga, con số này lên đến 45% đối với mặt hàng khí đốt.

Đầu tháng này, EU đã quyết định cấm nhập khẩu than đá đến từ Nga. Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết khối này đang cân nhắc cấm vận dầu mỏ trong vòng trừng phạt kế tiếp lên Nga.

Bộ trưởng tài chính Janet Yellen
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cảnh báo việc EU cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu khí và khí đốt từ Nga có thể gây ra những hậu quả kinh tế không lường trước được đối với Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây (Ảnh: Fox Business)

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho rằng EU cần giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga nhưng “cần cẩn trọng khi đưa ra lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu mỏ từ Nga” và một lệnh cấm như vậy “có thể gây hại nhiều hơn là các lợi ích nó đem lại”.

Đầu tuần này, tập đoàn tài chính JP Morgan (Hoa Kỳ) cảnh báo việc EU cấm nhập khẩu hoàn toàn và ngay lập tức các nguồn năng lượng tư Nga sẽ khiến thị trường toàn cầu mất đi khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày từ Nga và đẩy giá dầu thô lên mức 185 USD/thùng.

Các quốc gia thành viên EU và Uỷ ban châu Âu đang thảo luận về lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga. Tuy nhiên, EU đang bị chia rẽ về vấn đề này; trong đó, Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu phản đối mạnh mẽ việc cấm nhập khẩu do nước này phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng từ Nga. Giới chức châu Âu cũng cho biết ngay cả khi toàn bộ các thành viên EU đồng ý về lệnh cấm vận thì sẽ vẫn mất nhiều tháng để soạn thảo chi tiết phương thức và việc chuẩn bị thực thi.

EU hiện đang tích cực đàm phán với các quốc gia xuất khẩu dầu thô khác để đa dạng hoá nguồn cung, giảm sự phụ thuộc vào Nga. Trong khi đó, Hoa Kỳ đang đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm trở lại đây, nguyên nhân một phần do giá năng lượng tăng vọt trong thời gian vừa qua.

Trong ngày 21/4, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã trao đổi về diễn biến thị trường dầu thô toàn cầu với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cho biết việc giá dầu thô tăng mạnh chủ yếu do các căng thẳng địa chính trị liên quan đến cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine. Đồng thời, OPEC tiếp tục phát đi tín hiệu cho thấy sẽ không nâng mạnh sản lượng khai thác bổ sung trong thời gian tới. OPEC đã liên tục khước từ yêu cầu từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây về việc gia tăng sản lượng khai thác nhằm hạ nhiệt giá dầu, bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga.