Giá dầu thô sụp đổ, hàng nghìn doanh nghiệp dầu mỏ Hoa Kỳ rục rịch nộp đơn phá sản

Việc giá dầu thô WTI của Hoa Kỳ lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức giá âm là cú sốc mới nhất trong khủng hoảng thị trường dầu mỏ lần này khi đại dịch Covid-19 bùng phát, dự báo hàng nghìn doanh nghiệp ngành dầu mỏ Hoa Kỳ sẽ phá sản với mức giá dầu thô thấp kỷ lục.
Nhà máy lọc dầu Hoa Kỳ phá sản
 Với việc giá dầu thô liên tục ở mức thấp lịch sử, hàng nghìn doanh nghiệp khai thác và sản xuất dầu khí tại Hoa Kỳ được dự báo sẽ phải nộp đơn xin phá sản (Ảnh: File Photo)

Ngành công nghiệp dầu mỏ Hoa Kỳ đang trải qua “cơn ác mộng” tồi tệ nhất trong lịch sử trong bối cảnh giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2020, chốt phiên giao dịch ngày 20/4, sụp đổ về mức -37,63 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử và mức giá âm đồng nghĩa với việc người bán phải trả tiền cho người mua để dầu thô được đem đi. Hiện giá dầu thô WTI giao tháng 5/2020 đã phục hồi trở lại những vẫn ở mức cực thấp, dưới ngưỡng 2 USD/thùng. Vào đầu năm nay, giá dầu thô WTI được giao dịch ở mức gần 65 USD/thùng.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu hiện đang trải qua cú sốc kép ở cả phía cung và phía cầu với mức độ nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Về phía cầu, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ nghiêm trọng và nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sụt giảm “tự do”. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cùng các hãng giao dịch dầu thô lớn nhất thế giới như Vitol và Trafigura dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ giảm khoảng 20 triệu đến 30 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020.

Về phía nguồn cung, cuộc chiến giá dầu thô giữa Ả-rập Xê-út và Nga bắt đầu từ tháng 3/2020 là “giọt nước làm tràn ly” cuộc khủng hoảng trên thị trường dầu mỏ. Một số quốc gia khai thác dầu thô khác trong liên minh OPEC do Ả-rập Xê-út đứng đầu như Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (U.A.E) cũng tham gia cuộc chiến lần này, điều này khiến một lượng lớn dầu thô gia rẻ đe doạ tràn ngập thị trường. Ả-rập Xê-út và Nga hiện là 2 quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ 2 và 3 thế giới với tổng sản lượng khai thác dầu thô hàng ngày chiếm khoảng 20% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Mặc dù giá dầu thô WTI giao tháng 6/2020 vẫn được giao dịch trên mức 20 USD/thùng nhưng ngay cả ở mức giá này thì vẫn là “thảm hoạ” đối với ngành dầu khí Hoa Kỳ.

Ông Artem Abramov, trưởng ban nghiên cứu thị trường dầu đá phiến tại hãng tư vấn năng lượng Rystard Energy, cho biết “Mức giá 30 USD/thùng đã là khá tệ, khi giá xuống còn 20 USD/thùng thậm chí 10 USD/thùng thì trở thành cơn ác mộng thực sự”.

Rất nhiều doanh nghiệp khai thác dầu khí đã mở rộng phát triển trong giai đoạn giá dầu thô ở mức tốt nhờ đẩy mạnh vay nợ. Tuy nhiên, khi “gió đảo chiều” thì khối nợ vay đang dần giết chết các doanh nghiệp có năng lực tài chính kém. Hãng Rystard Energy cho biết, với mức giá 20 USD/thùng thì sẽ có 533 doanh nghiệp khai thác và sản xuất dầu thô tại Hoa Kỳ phải nộp đơn xin phá sản vào cuối năm 2021. Nếu giá xuống còn 10 USD/thùng thì số doanh nghiệp phá sản này sẽ tăng lên hơn 1.100 doanh nghiệp. Con số dự báo này chưa tính đến việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dầu khí sẽ chịu thua lỗ nặng khi mất đi các khách hàng hiện tại. 

Ông Artem Abramov cho biết với mức giá 10 USD/thùng thì gần như mọi công ty khai thác và sản xuất dầu thô tại Hoa Kỳ vốn sử dụng nợ vay sẽ phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản hoặc thực hiện các biện pháp tái cơ cấu chiến lược như sát nhập. 

Giá dầu thô trước đó đã được hỗ trợ sau khi liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, gồm Nga đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lớn nhất lịch sử vào ngày 12/4, với mức cắt giảm tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Ngay sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết thoả thuận của liên minh OPEC+ đã giúp cứu hàng ngàn công việc trong lĩnh vực năng lượng của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các nỗ lực cắt giảm sản lượng khổng lồ đó không khiến giá dầu thô trụ vững, một phần vì thoả thuận cắt giảm của liên minh OPEC+ chỉ có hiệu lực từ tháng 5 tới đây; một phần vì nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu vẫn ở mức rất thấp khi hàng loạt hoạt động kinh tế bị ngưng trệ do đại dịch Covid-19.

Ông Ryan Fitzmaurice, chiến lược gia thị trường hàng hoá, tại ngân hàng đầu tư Rabobank, nhận định “Sẽ không có mấy công ty (lĩnh vực dầu mỏ) đủ sức sống sót qua cuộc khủng hoảng này. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử”.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán S&P 500 của nhóm ngành năng lượng đã “bốc hơi” gần 40% giá trị bất chấp đà phục hồi mạnh mẽ của cả thị trường chứng khoán trong tháng 3 vừa qua. Một số doanh nghiệp năng lượng như Noble Energy, Halliburton, Marathon Oil và Occidental đã mất gần 2/3 giá trị; thậm chí đại gia năng lượng của Hoa Kỳ là ExxonMobil cũng mất 38% giá trị cổ phiếu.

Trong ngày 2/4, Whiting Petroleum trở thành doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến lớn đầu tiên của Hoa Kỳ nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì cuộc khủng hoảng thị trường dầu mỏ lần này và đây sẽ chỉ là quân cờ domino đầu tiên đổ xuống, hàng loạt doanh nghiệp ngành dầu khí khác của Hoa Kỳ được dự báo sẽ theo bước Whiting Petroleum.

Quang Đặng (Tham khảo CNN)