Giá dầu thô tăng 30% từ đầu năm đến nay, vượt mốc 67 USD/thùng

Chốt phiên giao dịch ngày 24/2, giá dầu thô đạt 67,04 USD/thùng. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã tăng khoảng 30% khi nhu cầu sử dụng dầu thô có thể tăng mạnh nhờ việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại nhiều nền kinh tế lớn.
Giàn khoan dầu thô
 Giá dầu thô được dự báo sẽ đạt 75 USD/thùng trong thời gian tới khi tốc độ gia tăng nguồn cung không theo kịp đà tăng nhu cầu sử dụng trên toàn cầu (Ảnh: The New York Times)

Chốt phiên giao dịch ngày 24/2 (theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng thêm 1,67 USD/thùng tương đương 2,6% lên mức 67,04 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 1,55 USD tương đương 2,5% lên mức 63,22 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch, có lúc giá dầu thô Brent và dầu thô WTI lần lượt đạt 67,30 USD/thùng và 63,22 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020 – trước thời điểm đại dịch Covid-19 lan rộng ra khắp toàn cầu.

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô quốc tế đã tăng khoảng 30% và đà tăng của giá dầu thô được dự báo sẽ còn tiếp tục duy trì. Các động lực thúc đẩy giá dầu thô tăng chủ yếu từ kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tăng mạnh trở lại khi việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang được triển khai tại nhiều quốc gia với các kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh (OPEC+) do Nga dẫn đầu cắt giảm sản lượng khai thác cũng khiến tốc độ gia tăng sản lượng khai thác khó theo kịp đà tăng của nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu.

Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3 thế giới, đã lên tiếng thúc giục liên minh OPEC+ sớm gia tăng sản lượng khai thác trong bối cảnh giá dầu thô tăng mạnh. Tính đến tháng 2/2021, tổng mức cắt giảm sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ là 7,125 triệu thùng/ngày tương đương 7% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.

Hãng tin Reuters cho biết liên minh OPEC+ có thể nâng sản lượng khai thác thêm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 4/2021 nếu như nhu cầu ở mức tốt. Tuy nhiên, một số thông tin cho thấy nhiều quốc gia khai thác dầu thô lớn vẫn giữ cách tiếp cận thận trọng trong việc gia tăng sản lượng khai thác do lo ngại đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp khi nhiều biến chủng virus mới xuất hiện và nhu cầu sử dụng nhiên liệu có thể thay đổi mạnh.

Dự kiến, liên minh OPEC+ sẽ họp trực tuyến cấp bộ trưởng vào ngày 4/3 tới đây để thảo luận về chính sách khai thác dầu thô. Nga, quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ ba thế giới, có thể sẽ đưa ra quyết định nâng sản lượng khai thác dầu thô trong phiên họp tới đây.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) vừa nâng dự báo giá dầu thô thêm 10 USD/thùng lên mức trung bình 65 USD/thùng trong quý 2/2021 và 75 USD/thùng trong quý 3/2021. Goldman Sachs nhận định nguồn cung dầu thô trong giai đoạn tới sẽ còn tiếp tục “hụt hơi” so với nhu cầu trên thị trường trong thời gian tới.

Các dữ liệu mới nhất của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy đợt giá rét sâu bất thường tại khu vực miền Nam Hoa Kỳ trong tuần trước đã khiến sản lượng khai thác dầu thô của nước này giảm 1,1 triệu thùng/ngày xuống còn 9,7 triệu thùng/ngày. Hoa Kỳ hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.

Công suất lọc hoá dầu của Hoa Kỳ cũng bị suy giảm nghiêm trọng 2,6 triệu thùng/ngày xuống còn 12,2 triệu thùng/ngày – mức thấp nhất kể từ tháng 9/2008. Giới phân tích cảnh báo mặc dù các hãng khai thác năng lượng tại miền Nam Hoa Kỳ đã tái khởi động sản xuất trở lại nhưng việc khôi phục sản xuất có thể mất đến 2 tuần.

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)