giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 24/8 - 24/9/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 13h30 chiều ngày 24/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 đã tăng 0,35% lên 77,50 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2021 cũng tăng 0,19% lên 73,41 USD/thùng. Giá dầu thô thế giới đang hướng đến phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp.

Chốt phiên giao dịch ngày 23/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent đã tăng 1,4% lên 77,25 USD/thùng – mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Giá dầu thô WTI cũng tăng mạnh 1,5% lên mức 73,30 USD/thùng.

Giá dầu thô liên tục bật tăng cao trong những ngày gần đây khi thị trường ngày càng lo ngại về các rủi ro nguồn cung dầu thô. Dữ liệu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ hồi tháng 10/2018 khi nguồn cung dầu thô của nước này từ khu vực Vịnh Mexico sụt giảm mạnh dưới tác động của siêu bão Ida hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nước này đã phục hồi về gần mức như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Công suất hoạt động của các nhà máy lọc hoá dầu nằm ở Bờ Đông Hoa Kỳ hiện đã đạt 93% - mức cao nhất kể từ hồi tháng 5/2019 đến nay.

Hãng tin Reuters cho biết các nhà máy lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ đã phải tìm kiếm nguồn cung dầu thô bổ sung từ Iraq và Canada, trong khi đó, nhiều nhà máy lọc hoá dầu tại Châu Á phải tăng cường mua dầu thô từ Nga và khu vực Trung Đông nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ khu vực Vịnh Mexico. Siêu bão Ida là sự kiện đầu tiên khiến nguồn cung dầu thô toàn cầu giảm xuống trong gần 6 tháng trở lại đây.

Bên cạnh đó, các thông tin cho thấy một số quốc gia thành viên liên minh OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác do thiếu hụt sự đầu tư vào lĩnh vực dầu khí cũng như việc đình trệ các hoạt động bảo dưỡng trang thiết bị do dịch bệnh kéo dài. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh như Nga, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Mặt khác, việc giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) đạt mức cao kỷ lục trên toàn cầu cũng góp phần đẩy giá dầu thô tăng cao. Một số tổ chức kinh tế nhận định nếu giá khí LNG tiếp tục tăng cao trong mùa đông tới đây thì giá dầu thô toàn cầu sẽ đạt mức cao hơn nữa, thậm chí lên đến 100 USD/thùng.

Trong ngày 22/9, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết liên minh OPEC+ sẽ tìm cách giữ giá dầu thô quanh ngưỡng 70 USD/thùng nhằm hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Dự kiến liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 4/10 tới đây nhằm quyết định chính sách khai thác dầu thô trong những tháng cuối năm nay.