Giá dầu thô tăng phiên thứ 3 liên tiếp, củng cố vững chắc trên mức 75 USD/thùng

Trong ngày 25/6, giá dầu thô tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức 75,62 USD/thùng nhờ triển vọng tích cực về nhu cầu sử dụng dầu thô và thông tin tích cực về việc Hoa Kỳ đạt thoả thuận quan trọng đối với gói phát triển cơ sở hạ tầng lên tới 1.200 tỷ USD.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 25/5 - 25/6/2021 (Ảnh: Oil Price)

Vào lúc 13h45 chiều nay ngày 25/6, giá dầu thô Brent giao tương lai đạt 75,62 USD/thùng, tăng 0,1% so với mức giá đầu phiên giao dịch. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 0,1% lên 73,35 USD/thùng. Giá dầu thô quốc tế đang ghi nhận phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp và hướng đến tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp.

Giá dầu thô đang được nâng đỡ nhờ các dự báo tích cực về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ bùng nổ mạnh trong thời gian tới trong khi đó liên minh OPEC+ vẫn chưa có dấu hiệu sẽ đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu thô. Đồng thời, các dữ liệu mới nhất cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước sụt giảm mạnh đã củng cố đà tăng của giá dầu thô.

Bên cạnh đó, việc Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà tại Hoa Kỳ đạt được thoả thuận quan trọng về gói phát triển cơ sở hạ tầng do Tổng thống Joe Biden đề xuất với quy mô lên đến 1.200 tỷ USD trong 8 năm cũng hỗ trợ giá dầu thô tăng lên trong phiên giao dịch hôm nay.

Nếu được thông qua thì gói phát triển cơ sở hạ tầng này sẽ là nguồn tài trợ lớn nhất trong hàng chục năm trở lại đây tại Hoa Kỳ dành cho việc phát triển đường, cầu, cảng và các cơ sở hạ tầng khác. Chính quyền Tổng thống Joe Biden kỳ vọng gói phát triển cơ sở hạ tầng này sẽ hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi và phát triển tốt hơn sau đại dịch Covid-19.

Hiện thị trường dầu mỏ tập trung quan sát các động thái của liên minh OPEC+ về chính sách khai thác dầu thô trong những tháng tới đây. Dự kiến liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 1/7 tới đây. Nhiều nhà quan sát nhận định diễn biến của thị trường dầu mỏ trong nửa cuối năm nay sẽ phụ thuộc phần lớn vào quyết định điều hành sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ trong cuộc họp tới đây.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện nắm giữ hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Liên minh OPEC+ cũng dự báo sản lượng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ sẽ không phục hồi nhanh trong nửa cuối năm nay. Điều này sẽ cho phép liên minh OPEC+ nắm quyền chi phối lớn hơn trên thị trường dầu mỏ.

Các nhà phân tích thuộc tập đoàn ngân hàng ANZ (Australia) dự báo liên minh OPEC+ có thể nâng sản lượng khai thác thêm khoảng 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 8 tới đây nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dầu thô đang gia tăng mạnh. Trong tháng 4 vừa qua, các thành viên thuộc liên minh OPEC+ đã đồng ý nâng sản lượng khai thác thêm 2,1 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 5 – tháng 7/2021.

Trong khi đó, các lo ngại của thị trường về việc Iran có thể đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô trong thời gian tới đã tạm lắng xuống sau khi một quan chức Hoa Kỳ cho biết vẫn tồn tại “những khác biệt quan trọng” trong đàm phán thoả thuận hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Iran. Do đó, Hoa Kỳ khó có thể sớm dỡ bỏ các biện pháp cấm vận nhắm vầo ngành công nghiệp dầu khí của Iran.

Quang Đặng