Giá dầu thô tăng phiên thứ 4 liên tiếp, căng thẳng Trung Đông có thể leo thang

Chốt phiên giao dịch 8/3, giá dầu thô Brent đạt 68,24 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, có lúc giá dầu thô vượt ngưỡng 70 USD/thùng trước những căng thẳng địa chính trí tại Trung Đông.
Khai thác dầu thô tại Trung Đông
 Giá dầu thô đã bật tăng mạnh sau khi phiến quân Houthi tấn công khu vực khai thác dầu thô chính của Ả-rập Xê-út, làm gia tăng căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông (Ảnh: Reuters)

Chốt phiên giao dịch ngày 8/3 (theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent giao tương lai đạt 68,24 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đạt 65,05 USD/thùng. Như vậy, giá dầu thô thế giới đã ghi nhận 4 phiên tăng giá liên tiếp.

Trong phiên giao dịch, giá dầu thô Brent đã có lúc đạt 71,38 USD/thùng – chạm mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020. Giá dầu thô WTI cũng cố lúc đạt 67,98 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Giá dầu thô bật tăng mạnh, lần đầu tiên vượt ngưỡng 70 USD/thùng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ra toàn cầu, chủ yếu do thị trường lo ngại gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông sau khi lực lượng phiến quân Houthi (Yemen) tấn công vào các khu vực sản xuất dầu mỏ chính của Ả-rập Xê-út trong ngày 7/3.

Ả-rập Xê-út cho biết lực lượng phiến quân đã tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào một trong những cảng vận chuyển dầu thô lớn nhất thế giới tại đây nhưng không gây thiệt hại về người và tài sản.

Ả-rập Xê-út cho biết các cuộc tấn công này không chỉ nhắm vào quốc gia mình mà còn đe dọa an ninh và sự ổn định của nguồn cung năng lượng cho cả thế giới và cả nền kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh báo những nguy cơ an ninh hiện hữu đối với Ả-rập Xê-út và cho biết sẵn lòng hỗ trợ giúp Ả-rập Xê-út đối phó với những nguy cơ này. Điều này có thể gia tăng thêm những nguy cơ bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung Đông – một trong những khu vực khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.

Cuộc tấn công của phiến quân Houthi diễn ra chỉ 1 tuần sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu (gọi chung là Liên minh OPEC+) quyết định kéo dài việc cắt giảm sản lượng khai thác cho dù giá dầu thô đang tăng cao.

Giá dầu thô cũng đang được hỗ trợ bởi thông tin Thượng viện Hoa Kỳ thông qua gói cứu trợ quy mô 1.900 tỷ USD. Dự kiến gói cứu trợ sẽ chính thức được ban hành vào tuần sau. Thị trường kỳ vọng gói cứu trợ sẽ giúp nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi tốt hơn, kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Nền kinh tế Trung Quốc cũng ghi nhận nhiều thông tin tích cực, giúp hỗ trợ giá dầu thô.

Mặc dù giá dầu thô đang tăng cao, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Total ông Patrick Pouyanne nhận định giá dầu thô sẽ khó có thể duy trì ở mức cao như hiện tại và sẽ giảm về khoảng 50 USD – 60 USD/thùng.

Ông Patrick Pouyanne nhận định nền kinh tế thế giới có thể mất đến 2 năm để phục hồi sau đại dịch Covid-19 do đó nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ còn mất nhiều thời gian để đạt ngưỡng như trước khi dịch bệnh xảy ra.

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)