Giá dầu thô tăng tháng thứ 4 liên tiếp bất chấp đại dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều quốc gia

Chốt phiên giao dịch ngày 30/7, giá dầu thô quốc tế tiếp tục tăng lên bất chấp số ca nhiễm mới Covid-19 tại nhiều nơi trên thế giới đang tăng mạnh trở lại. Tính chung cả tháng 7/2021, giá dầu thô Brent tăng 1,6%, xác lập tháng tăng giá thứ 4 liên tiếp.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và WTI từ ngày 30/6 - 31/7/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 30/7 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2021 tăng 0,4% lên 76,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 cũng tăng 0,4% lên 75,41 USD/thùng. Hợp đồng dầu thô Brent giao tháng 9/2021 cũng hết hạn trong phiên giao dịch này. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai tăng 0,5% lên 73,95 USD/thùng.

Tính chung cả tuần này, giá dầu thô quốc tế đã tăng hơn 2% và tính chung cả tháng 7/2021, giá dầu thô Brent đã tăng 1,6%, xác lập tháng tăng giá thứ 4 liên tiếp. Mặc dù số ca nhiễm mới Covid-19 đang tăng cao trở lại tại Hoa Kỳ, Châu Á và Châu Âu, nhiều chuyên gia phân tích nhận định nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn do việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang được đẩy nhanh tại nhiều khu vực, giúp hạn chế việc phong toả diện rộng và nghiêm ngặt như trong các làn sóng lây nhiễm trước.

Giới phân tích chỉ ra rằng mức tiêu thụ nhiên liệu của Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, đang phục hồi nhanh chóng trở lại sau khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần hai hồi quý 2/2021 đã khiến hàng trăm nghìn người nước này tử vong. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng nhận định tiêu thụ dầu thô trên toàn cầu đang tăng lên.

Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy giới phân tích nhận định giá dầu thô quốc tế sẽ được giữ quanh mốc 70 USD/thùng trong nửa cuối năm nay trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và Iran khó có thể sớm gia tăng lượng dầu thô xuất khẩu. Tuy nhiên, giới phân tích cũng nhấn mạnh đà tăng của giá dầu thô sẽ bị kìm hãm bởi rủi ro đại dịch Covid-19 tái bùng phát với các biến chủng virus mới.

Ngoài ra, chuyên gia phân tích Carsten Menke thuộc tập đoàn tài chính Julius Baer (Thuỵ Sĩ) cho biết các yếu tố chính trị liên quan đến giá dầu thô cũng sẽ đóng vai trò quan trọng chi phối diễn biến thị trường dầu mỏ trong thời gian tới. Nếu giá dầu thô tăng quá cao trong mùa hè này thì các quốc gia khai thác dầu thô sẽ phải chịu áp lực lớn hơn trong việc kiểm soát giá, theo ông Carsten Menke.

Khảo sát của Reuters cũng cho thấy giới phân tích nhận định giá dầu thô quốc tế khó có thể duy trì ở ngưỡng 80 USD/thùng. Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu thô (OPEC) và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cùng nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ chỉ phục hồi về ngưỡng trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2022.

Quang Đặng