Giá dầu thô thế giới biến động mạnh trước các tin tức mới về Iran, Ukraine và Nga

Tính từ đầu tuần này (14/2), giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã có sự biến động mạnh theo diễn biến căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng như các thông tin mới về tình hình cung cầu trên thị trường.
Giá dầu thô
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Đặc biệt, giá dầu thô đang chịu áp lực giảm mạnh sau khi giới chức Iran và một số nhà ngoại giao Phương Tây cho biết đàm phán hạt nhân giữa Iran với các cường quốc đang đạt được nhiều bước tiến và một thoả thuận hạt nhận đang “nằm trong tầm tay”.

Trong tối ngày 17/2, giá dầu thô Brent giao tháng 4/2022 giao dịch quanh mốc 94 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 3/2022 giao dịch quanh ngưỡng 92,4 USD/thùng.

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết mặc dù giá dầu thô đã chịu áp lực giảm sau khi Nga tuyến bố kết thúc cuộc tập trận và rút quân ra khỏi vùng gần biên giới Với Ukraine trong ngày 15/2. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 17/2, đà giảm của giá dầu thô phần nào được kìm hãm bởi thông tin xung đột giữa quân đội Ukraine với lực lượng ly khai Lugansk tại miền Đông nước này, khu vực vốn rất gần với lực lượng quân sự của Nga. Đồng thời, truyền thông phương Tây cũng cáo buộc thay vì rút quân, Nga đang âm thầm tăng thêm quân dọc biên giới với Ukraine.

Giá dầu thô còn chịu áp lực tiêu cực từ thông tin cho thấy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) đã có buổi gặp mặt với ít nhất hai khách hàng đến từ Hàn Quốc nhằm thảo luận việc cung ứng dầu thô. Trước khi Iran bị áp đặt các lệnh cấm vận liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân của nước này vào năm 2018 thì Hàn Quốc là một trong những đối tác nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran với mức nhập khẩu lên tới 18,5 triệu thùng/tháng.

Xem chi tiết báo cáo phân tích diễn biến thị trường dầu thô thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

Đồng thời, các thông tin cho thấy Iran và Nhật Bản đang có những buổi tiếp xúc để thảo luận triển vọng các hợp đồng cung ứng dầu thô thời gian tới. Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất hiện nay; trong khi đó, Iran hiện có nguồn dự trữ dầu thô lớn thứ 4 thế giới. Nếu các biện pháp trừng phạt Iran được dỡ bỏ thì lượng dầu thô từ Iran sẽ giúp tổng nguồn cung dầu trên thị trường quốc tế tăng thêm 500.000 thùng/ngày trong giai đoạn tháng 4 – 5/2022 và tăng thêm tới 1,3 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.

Tồn kho dầu thô
 Lượng tồn kho dầu thô tại Hoa Kỳ đang chạm mức thấp nhất kể từ năm 2005 trở lại đây (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra rằng ngay cả khi thế giới có thêm nguồn cung dầu từ Iran thì nhu cầu sử dụng vẫn cao hơn tới 4 – 5 triệu thùng/ngày so với mức cung có thể đáp ứng trong ngắn hạn. Trong ngày 16/2 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã lần thứ hai kêu gọi liên minh OPEC+ cần nhanh chóng nâng sản lượng khai thác theo những gì liên minh này đã cam kết. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Mặc dù từ hồi tháng 8/2021 đến nay, liên minh OPEC+ đã cam kết tăng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày sau mỗi tháng. Tuy nhiên, dữ liệu thực tế cho thấy liên minh OPEC+ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện cam kết này do phần công suất dự phòng ngày càng suy giảm. Dữ liệu mới nhất được OPEC công bố cho thấy sản lượng tháng 1/2022 của khối OPEC chỉ tăng thêm 64.000 thùng/ngày so với hồi tháng 12/2021, thấp hơn rất nhiều so với con số mục tiêu 400.000 thùng/ngày.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trên toàn cầu đang tiếp tục phục hồi mạnh khi hoạt động di chuyển bằng đường hàng không tại Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu đều được nới lỏng. Mức tiêu thụ xăng và dầu diesel tại nhiều nơi trên thế giới hiện đã đạt ngang bằng ngưỡng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

tồn kho dầu
Lượng tồn kho dầu thô thương mại tại cảng chứa dầu Cushing (Hoa Kỳ) đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2019 (Đồ họa: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Dữ liệu cho thấy lượng tồn kho dầu thô của Hoa Kỳ, bao gồm cả lượng dữ trữ dầu thô chiến lược, hiện đã chạm mức thấp nhất kể từ năm 2005. Đồng thời, lượng tồn trữ dầu thô thương mại tại cảng Cushing (Oklahoma), cảng chứa dầu thương mại lớn nhất tại Hoa Kỳ, đã chạm mức thấp nhất kể từ năm 2019.

Công ty Cổ phần Saigon Futures nhận định với các rủi ro địa chính trị và thông tin trái chiều về tình hình cung – cầu trên thị trường thì biên độ biến động của giá dầu thô thế giới có thể lên đến mức 10% trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong trung hạn, giá dầu thô vẫn đang được hỗ trợ tích cực bởi tình hình thiếu hụt nguồn cung từ liên minh OPEC+, tồn kho dầu trên toàn cầu có thể chạm mức thấp kỷ lục và nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên thế giới phục hồi mạnh mẽ.

Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.

Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh

Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.

Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.

Website: https://saigonfutures.com

Hotline: 0903.352.961

Duy Quang