Giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 3/5 - 28/5/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 27/5 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai tiếp tục tăng thêm 0,9% lên 69,49 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng thêm 1% lên 66,85 USD/thùng.

Thị trường dầu mỏ hiện lạc quan về nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ phục hồi mạnh khi nước này ghi nhận nhiều thông tin kinh tế tích cực. Dữ liệu mới nhất của Bộ Lao động Hoa Kỳ cho thấy số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần trước đã giảm xuống chỉ còn 406.000 đơn – mức thấp nhất kể khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3/2020. Đây cũng là tuần thứ ba liên tiếp, số người xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ ở dưới ngưỡng 500.000 người.

Bên cạnh đó, dữ liệu khác cho thấy các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ đã đẩy nhanh tốc độ mua sắm trang thiết bị trong tháng 4 vừa qua. Đây là chỉ báo cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang dần lấy lại động lực tăng trưởng. Trong quý 1/2021, Hoa Kỳ đã ghi nhận mức tăng trưởng 6,4% - xác lập quý tăng trưởng tốt nhất kể từ hồi năm 2003. Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi tại hãng phân tích thị trường Moody’s Analytics (Hoa Kỳ) nhận định “Điều này báo hiệu nền kinh tế đang phát triển và sẽ là một năm bùng nổ”.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô vẫn bị kìm hãm do thị trường lo ngại Iran sẽ tăng cường xuất khẩu dầu thô trong thời gian tới nếu như Hoa Kỳ đồng ý dỡ bỏ các biện pháp cấm vận nhắm vào Iran khi hai nước này đạt được thoả thuận hạt nhân mới. Các phiên đàm phán về thoả thuận hạt nhân giữa Iran và Hoa Kỳ đã được triển khai từ tháng 4/2021.

Giới quan sát nhận định diễn biến cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Hoa Kỳ sẽ là trọng tâm thảo luận trong phiên họp của liên minh OPEC+ vào ngày 1/6 tới đây. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo. Liên minh OPEC+ hiện đang trong quá trình nâng dần sản lượng khai thác dầu thô trở lại.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết liên minh OPEC+ có thể sẽ vẫn tiếp tục duy trì việc nâng sản lượng khai thác với dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ phục hồi đủ mạnh để hấp thụ cả lượng dầu thô tăng thêm từ phía Iran.

Giới phân tích nhận định lượng dầu thô xuất khẩu tăng thêm từ phía Iran sẽ được nâng lên dần. Tập đoàn tài chính JP Morgan (Hoa Kỳ) dự báo lượng dầu thô tăng thêm của Iran sẽ đạt 500.000 thùng/ngày vào cuối năm nay và tăng thêm 500.000 thùng nữa cho đến tháng 8/2022.

Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ vẫn tập trung theo dõi diễn biến đại dịch Covid-19 tại các quốc gia, đặc biệt là tại Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới.