Giá dầu thô tiếp tục giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2001

Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tiếp tục chịu áp lực giảm, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2001 trong bối cảnh khối OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế đều dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ giảm mạnh vì đại dịch Covid-19.
Giàn khoan dầu
 Giàn khoan dầu hoạt động trên Vịnh Mexico (Ảnh: Bloomberg/Getty Images)

Giá dầu thô tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu đang giảm mạnh dưới các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Mặc dù liên minh OPEC+ bao gồm các nước thành viên khối OPEC và các nước khai thác dầu thô đồng minh bao gồm Nga đã đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác cao nhất lịch sử, lên tới 9,7 triệu thùng/ngày tương ứng gần 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu, trong tháng 5 và tháng 6/2020, nhưng thị trường vẫn lo ngại mức cắt giảm như trên chưa đủ để bù đắp sự sụt giảm nhu cầu sử dụng trên toàn cầu.

Vào lúc 6h23 sáng nay (ngày 20/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5 (CLC1) đã tiếp tục giảm mạnh 5,8% tương ứng 1,05 USD/thùng xuống còn 17,22 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô WTI (CLC1) giảm về mức 17,14 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 11/2001.

Hợp đồng dầu thô WTI CLC1 sẽ hết hạn vào ngày 21/4 tới đây, hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 6 (CLC2) hiện là hợp đồng được giao dịch nhiều nhất. Giá dầu thô WTI CLC2 đã giảm 57 cents tương ứng 2,3% xuống 24,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tương lai (LCOC1) cũng giảm 32 cents tương ứng 1,1% xuống 27,76 USD/thùng.

Một số hãng giao dịch dầu thô lớn nhất thế giới như Vitol và Trafigura dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ giảm khoảng 30% tương đương 30 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020. Trong khi đó, giới chức Ả-rập Xê-út, quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ hai thế giới, cho biết tổng mức cắt giảm sản lượng khai thác của các quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới có thể đạt gần 20 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, mức cắt giảm này đến từ việc tự nguyện cắt giảm của cả các hãng khai thác dầu thô tư nhân từ Hoa Kỳ và Canada, chứ không phải là việc áp đặt cắt giảm như hầu hết các quốc gia thành viên khối OPEC đang thực hiện.

Mặc dù nhiều hãng khai thác dầu thô lớn trên toàn cầu như Chevron Corp, BP Plc và Total SA đã thông báo sẽ cắt giảm sản lượng khai thác nhưng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh vì đại dịch, giá dầu thô trên thị trường hàng hoá vật chất có thể còn tiếp tục giảm xuống.

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)