Giá dầu thô tiếp tục neo trên ngưỡng 75 USD/thùng

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 12/7, giá dầu thô Brent tiếp tục được neo trên mức 75 USD/thùng trong bối cảnh liên minh OPEC+ vẫn chưa đạt được tiến bộ trong đàm phán thoả thuận nâng sản lượng khai thác. Điều này có thể khiến nguồn cung dầu thô tiếp tục ở mức thấp trong những tháng tới.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 12/6 đến 12/7/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay ngày 12/7, giá dầu thô Brent giao tương lai tiếp tục tăng nhẹ 10 cents lên mức 75,65 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 15 cents đạt 74,71 USD/thùng. Giá dầu thô Brent vẫn neo tương đối vững chắc trên mức 75 USD/thùng trong bối cảnh các cuộc đàm phán về kế hoạch nâng sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ chưa đạt tiến triển.

Trong 3 phiên giao dịch đầu tuần trước, giá dầu thô đã lao dốc mạnh, mất tới 5% do thị trường lo ngại rủi ro liên minh OPEC+ sẽ tan vỡ khi Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) kiên quyết đòi được tăng sản lượng khai thác thay vì tiếp tục duy trì mức sản lượng khai thác thấp do Ả-rập Xê-út và Nga phân bổ. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu; trong đó, UAE là quốc gia có sản lượng khai thác lớn thứ 3 khối OPEC.

Sự kiên định của UAE đã buộc Ả-rập Xê-út tuyên bố hủy bỏ phiên họp chính sách khai thác dầu thô cho tháng 8/2021, đồng nghĩa với việc nguồn cung dầu thô sẽ tiếp tục ở mức thấp trong tháng sau. Nga hiện tích cực thu hẹp bất đồng quan điểm giữa UAE và Ả-rập Xê-út. Giới quan sát nhận định UAE hiện cần nguồn tài chính lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; trong khi đó, sản lượng khai thác dầu thô của nước này hiện vẫn thấp hơn tới 30% sản lượng khai thác tối đa do tuân theo thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ duy trì từ hồi tháng 4/2020.

Giới phân tích lo ngại nếu UAE kiên quyết nâng sản lượng khai thác thì các thành viên khác trong liên minh OPEC+ cũng sẽ tự động nâng sản lượng nhằm giành thị phần, kích hoạt một cuộc chiến giá dầu thô mới. Sự bất đồng của UAE về kế hoạch điều tiết sản lượng khai thác phản ánh những bất đồng nội bộ trong liên minh OPEC+ về việc đảm bảo quyền lợi quốc gia và việc duy trì giá dầu thô ở mức vừa phải.

Bộ phận phân tích của tập đoàn ngân hàng ANZ (Australia) vừa nhấn mạnh “Thị trường dầu mỏ hiện đang bị bao trùm bởi các điều không chắc chắn trong bối cảnh khối OPEC vẫn đang bế tắc về kế hoạch khai thác trong thời gian tới. Trong trường hợp, khối OPEC không đạt được thoả thuận khai thác mới thì thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác cũ vẫn được duy trì. Điều này sẽ khiến nguồn cung tiếp tục ở mức thấp trong khi đó nhu cầu sử dụng đang tăng mạnh”.

Các dữ liệu mới nhất cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ liên tục giảm trong những tuần gần đây, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020; nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ hiện cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2019. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại khu vực Châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc và Ấn Độ, đang ở mức tốt.

Việc giá dầu thô tăng cao đang kích thích các doanh nghiệp khai thác dầu tại Hoa Kỳ mở rộng sản xuất. Dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy số lượng giàn khoan dầu thô đang hoạt động tại Hoa Kỳ đã tăng tuần thứ hai liên tiếp.

Thị trường hiện đang tập trung theo dõi diễn biến đại dịch Covid-19 với các biến chủng mới vốn đang bùng phát nghiêm trọng tại nhiều quốc gia. Cuối tuần trước, các Bộ trưởng Tài chính của các nền kinh tế thuộc khối G20 đã cảnh báo việc lây lan các biến chủng virus Covid-19 mới và sự tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 không đồng đều giữa các nước đang cản trở tiến trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Quang Đặng