Khai thác dầu thô tại Texas
 Giới phân tích nhận định nếu đại dịch Covid-19 lần hai bùng phát và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được tái áp dụng thì thị trường dầu mỏ sẽ lại lao dốc trở lại (Ảnh: Reto Fetz / Flickr)

Lúc 7h16 phút sáng nay (ngày 15/6, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 66 cents tương ứng 1,7% xuống mức 38,07 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm mạnh 81 cents tương ứng 2,2% xuống 35,45 USD/thùng.

Ông Stephen Innes, trưởng ban chiến lược thị trường toàn cầu tại hãng giao dịch AxiCorp, nhận định “Các mối lo ngại về việc gia tăng số ca nhiễm Covid-19 tại Hoa Kỳ và nguy cơ bùng phát đợt dịch lần 2 đang đè nặng lên giá dầu thô tại thời điểm hiện tại.”

Giá dầu thô thế giới, đặc biệt là giá dầu thô WTI, chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang tăng cao trở lại. Tính riêng ngày 13/6, Hoa Kỳ ghi nhận thêm 25.000 ca nhiễm mới và thêm nhiều tiểu bang công bố số ca nhiễm bệnh gia tăng trở lại, bao gồm tiểu bang Texas và Floria trong bối cảnh các biện pháp cách ly xã hội được nới lỏng để tái khởi động nền kinh tế. Điều này khiến thị trường lo ngại nguy cơ bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ hai và các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến đà phục hồi nhu cầu sử dụng năng lượng.

Một số quốc gia trên thế giới vốn đã không chế thành công bước đầu đại dịch Covid-19 như Trung Quốc nay cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại. Tính chung cả tuần giao dịch vừa qua (8/6 – 12/6), giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã giảm hơn 8%, đánh dấu tuần đầu tiên giảm giá trở lại sau 6 tuần tăng liên tiếp.

Một uỷ ban của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự kiến sẽ nhóm họp vào Thứ Năm tuần này nhằm thảo luận về tình hình cắt giảm sản lượng khai thác hiện nay của các quốc gia thành viên. Liên minh OPEC+ bao gồm OPEC và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đang thực hiện thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lên đến 9,7 triệu thùng dầu/ngày tương đương 10% tổng sản lượng khai thác dầu thô toàn cầu trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Liên minh OPEC+ đã đồng ý kéo dài thoả thuận cắt giảm này đến cuối tháng 7/2020 thay vì kết thúc trong tháng 6/2020 như trước đây.

Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên như Iraq và Nigeria gặp khó khăn trong việc đạt mục tiêu cắt giảm sản lượng khai thác trong thời gian vừa qua. Giới chức Iraq vừa cho biết đã đạt được thoả thuận với các hãng khai thác dầu thô lớn nhất nước này trong việc đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác trong tháng 6/2020.