Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 22/8 - 20/9/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 20/9, giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 tiếp tục giảm 0,69% xuống mức 74,81 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2021 giảm tới 0,79% xuống còn 71,40 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI đều giảm nhẹ 0,4%. Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent đã tăng 2,09% và giá dầu thô WTI tăng 1,68%.

Các dữ liệu kinh tế mới nhất của Hoa Kỳ tốt hơn nhiều so với các dự báo của thị trường đã đẩy đồng USD tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần trở lại đây so với các đồng tiền chủ chốt khác trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Điều này đã khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu cơ bản được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn với giới đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác và tạo sức ép lên giá dầu thô. Bên cạnh đó, việc dữ liệu kinh tế tốt hơn cho phép Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sớm cân nhắc việc thu hẹp quy mô chương trình kích thích kinh tế.

Chuyên gia phân tích thị trường hàng hoá cấp cao Edward Moya của hãng môi giới giao dịch chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ) nhận định giá dầu thô WTI có thể tiếp tục duy trì giai đoạn củng cố cho đến khi diễn biến của đồng USD trở nên rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng đang bị kìm hãm bởi dữ liệu cho thấy số lượng giàn khoan hoạt động tại Hoa Kỳ đang tiếp tục tăng lên, dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu thô trên thị trường sẽ gia tăng trong những tuần tới. Hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Hoa Kỳ) cho biết số giàn khoan khai thác dầu thô và khí đốt tại nước này trong tuần trước đã tăng thêm 9, lên tổng số 512 giàn khoan. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 4/2020 và gấp đôi so với mức cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, quá trình khôi phục hoạt động khai thác dầu thô tại khu vực Vịnh Mexico của Hoa Kỳ sau siêu bão Ida tiếp tục được đẩy nhanh. Tính đến cuối tuần trước, sản lượng khai thác dầu thô tại khu vực này đã đạt 77% so với mức thông thường, tăng đáng kể so với mức 25% ghi nhận trước đó 1 tuần.

Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Hoá chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) vừa cho biết tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2026 với lượng tiêu thụ đạt 16 triệu thùng/ngày, và lượng tiêu thụ khí đốt sẽ đạt đỉnh vào năm 2040 với mức tiêu thụ đạt 620 tỷ m3. Theo Sinopec, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc giảm sử dụng dầu thô và tập trung phát triển các nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính trong thời gian tới. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.