khai thác dầu thô
 Giá dầu thô có thể đạt đến 100 USD/thùng vào cuối năm nay nếu như liên minh OPEC+ không nâng đáng kể sản lượng khai thác trong thời gian tới (Ảnh: Hart Energy)

Chốt phiên giao dịch ngày 26/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 tăng thêm 0,5% lên 86,40 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 11/2021 tăng mạnh 1,1% lên 84,65 USD/thùng. Đây đều là những mức giá đóng cửa phiên giao dịch cao nhất kể từ hồi tháng 10/2014.

Ông Louise Dickson, chuyên gia phân tích cao cấp về thị trường dầu mỏ tại hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy), cho biết “Cuộc khủng hoảng năng lượng khó có thể chấm dứt sớm do đó chúng tôi kỳ vọng đà tăng cao của giá dầu thô sẽ còn kéo dài trong tháng 11 và tháng 12 tới đây khi nguồn cung dầu thô vẫn bị hạn chế và liên minh OPEC+ chưa có động thái tăng thêm sản lượng khai thác”.

Tập đoàn ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vừa nâng dự báo giá dầu thô Brent vào cuối năm nay lên mức 90 USD/thùng. Trong khi đó, ông Larry Fink – giám đốc điều hành quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock nhận định giá dầu thô Brent có khả năng cao chạm ngưỡng 100 USD/thùng.

Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng môi giới giao dịch OANDA (Hoa Kỳ), cũng dự báo giá dầu thô hoàn toàn có khả năng đạt 90 USD/thùng nếu như liên minh OPEC+ không gia tăng đáng kể sản lượng khai thác trong thời gian tới. Tuy nhiên, sức ép duy nhất có thể buộc liên minh OPEC+ nâng sản lượng là khi các hãng khai thác dầu mỏ tư nhân tại Hoa Kỳ, đặc biệt là các công ty khai thác dầu đá phiến, phát tín hiệu sẽ gia tăng đáng kể sản lượng khai thác.

Việc giá dầu thô và khí tự nhiên neo ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây đang giúp cải thiện mạnh lợi nhuận của các hãng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ sau gần 1 năm chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Do đó, các hãng khai thác dầu thô sẽ khó có khả năng gia tăng khai thác để giữ mức giá cao như hiện nay.

Hồi đầu tháng này, bất chấp sức ép từ nhiều nước tiêu thụ dầu thô lớn như Hoa Kỳ và Ấn Độ, liên minh OPEC+ vẫn kiên quyết chỉ nâng sản lượng khai thác lên thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 11 tới đây như lộ trình đã đề ra từ hồi tháng 7/2021. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, đang kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Dự kiến Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ thảo luận về tình hình giá năng lượng với lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới trong phiên họp khối G20 tới đây. Hiện thị trường tập trung theo dõi dữ liệu về lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ sẽ được Bộ Năng lượng nước này công bố vào cuối ngày 27/10 (theo giờ địa phương).