giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 30 ngày qua (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 10h30 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6/2022 tiếp tục tăng nhẹ 0,53% lên 110,58 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 0,41% lên 108,25 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 4/5, giá dầu thô Brent đã bật tăng 4,9% lên 110,14 USD/thùng; giá dầu WTI tăng tới 5,3% lên 107,81 USD/thùng.

Giá dầu thô bật tăng đáng kể sau khi Liên minh châu Âu (EU) đề xuất ngưng nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga trong gói trừng phạt thứ 6 tới đây. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU có thể ngưng nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga trong vòng 6 tháng tới và dừng mua toàn bộ các sản phẩm lọc hoá dầu tư Nga vào cuối năm 2022.

Nếu đề xuất này được thông qua thì tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường sẽ tăng lên do các quốc gia thành viên EU sẽ phải đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung thay thế dầu thô của Nga. Hiện khối EU đang nhập khẩu khoảng 3,5 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm lọc hoá dầu từ Nga mỗi ngày. Hồi đầu tháng 4, EU đã cấm nhập khẩu than đá từ Nga trong gói trừng phạt thứ 5.

Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc hãng tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh Price Futures Group (Hoa Kỳ), cho biết “Lượng dự trữ dầu thô hiện đang ở mức rất thấp do đó có rất nhiều vấn đề về việc EU sẽ làm như nào để nâng mức dự trữ và thay thế nguồn cung từ Nga”.

Bà Ursula von der Leyen cho biết việc thuyết phục toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU thông qua đề xuất sẽ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, bà Ursula von der Leyen khẳng định EU sẽ làm tất cả các biện pháp có thể để giảm nhẹ tác động từ việc cắt nguồn cung năng lượng từ Nga đến các nền kinh tế quốc gia thành viên.

Hãng tin Reuters cho biết, Hungary và Slovakia có thể sẽ được miễn trừ khỏi lệnh cấm và vẫn được mua dầu thô từ Nga cho đến cuối năm 2023 do hai quốc gia này cần thời gian để tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

Giới quan sát nhận định cho dù nhu cầu tìm kiếm các nguồn cung dầu thô ngoài Nga của châu Âu sẽ tăng vọt nhưng liên minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì kế hoạch tăng sản lượng khai thác như cũ. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.