Giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh, lo ngại thiếu hụt nguồn cung sẽ kéo dài

Chốt phiên giao dịch ngày 5/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh do lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ kéo dài trong những tháng tới đây; giá dầu thô Brent hiện đạt 82,56 USD/thùng.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 6/9 - 6/10/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 5/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tiếp tục tăng mạnh 1,6% lên 82,56 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 1,7% lên 78,93 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent đạt mức 83,13 USD/thùng – mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây; giá dầu thô WTI cũng chạm mức 79,48 USD/thùng – mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Giá dầu thô trong những phiên giao dịch gần đây tăng vọt sau khi liên minh OPEC+ quyết định giữ nguyên hoạt động khai thác, chỉ nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11 tới đây như kế hoạch đã được đưa ra hồi tháng 7/2021. Trước đó, Hoa Kỳ và Ấn Độ đã nhiều lần gây sức ép, kêu gọi liên minh OPEC+ cần nâng sản lượng khai thác cao hơn trong những tháng cuối năm khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu tăng cao và giá các mặt hàng năng lượng như khí tự nhiên hoá lỏng và than đá đang ở mức cao kỷ lục.

Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường tại hãng giao dịch phái sinh hàng hoá Price Futures Group (Hoa Kỳ), nhận định mức giá hiện nay đang cho thấy thị trường lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ kéo dài trong những tháng tới đây cho đến khi liên minh OPEC+ nâng thêm sản lượng khai thác. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Cuối tháng trước, liên minh OPEC+ dự báo thị trường dầu mỏ sẽ thiếu hụt khoảng 1,1 triệu thùng dầu/ngày trong những tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, thị trường được dự báo sẽ chuyển sang trạng thái dư cung đến 1,4 triệu thùng dầu/ngày trong năm sau. Mặc dù chịu sức ép giữ giá dầu thô ở mức vừa phải, liên minh OPEC+ hiện lo ngại làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 tại nhiều nơi trên thế giới có thể khiến quá trình phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu suy yếu hơn các dự báo.

Trong khi đó, việc giá khí tự nhiên trên toàn cầu chạm mức lịch sử đang buộc nhiều nhà máy sản xuất điện tăng cường sử dụng dầu nhiên liệu thay vì khí, góp phần nâng đỡ giá dầu thô. Giới quan sát dự kiến giá khí tự nhiên sẽ còn duy trì ở mức cao trong những tháng mùa đông tới đây.

Do đó, ông Gary Cunningham, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu thị trường tại hãng tư vấn thị trường năng lượng Tradition Energy (Hoa Kỳ), nhận định giá dầu thô Brent sẽ được nâng đỡ tại nền giá 80 USD/thùng và giá dầu thô WTI sẽ được hỗ trợ tại vùng giá 75 USD/thùng.

Hiện thị trường đang tập trung theo dõi dữ liệu về lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước để đánh giá xu hướng giá dầu trong những phiên giao dịch tới đây. Dữ liệu chính thức dự kiến được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố trong ngày 6/10 (theo giờ địa phương).

Quang Đặng