Giá dầu thô
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 12/4 - 11/5/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 10/5 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai tăng 0,1% lên 68,32 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai tăng 0,03% lên 64,92 USD/thùng. Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô quốc tế đã tăng hơn 1%, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp.

Trong đầu phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô quốc tế đã đồng loạt tăng mạnh sau thông tin tuyến đường ống dẫn dầu lớn nhất Hoa Kỳ Colonial Pipeline tê liệt ngày thứ 3 liên tiếp vì tin tặc tấn công. Đường ống Colonial Pipeline vận chuyển 2,5 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày – chiếm tới gần 50% nguồn cung cấp diesel, xăng và nhiên liệu máy bay của khu vực Bờ Đông Hoa Kỳ.

Chính phủ Hoa Kỳ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp khu vực tại 17 bang Bờ Đông và thủ đô Washington nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu khi tuyến đường ống Colonial Pipeline ngưng hoạt động. Đơn vị vận hành tuyến đường ống này cho biết mới chỉ đưa được một số đường ống dẫn nhỏ vận hành trở lại và dự kiến toàn bộ hệ thống sẽ vận hành ổn định trở lại vào cuối tuần này.

Giới chuyên gia dự báo nếu hệ thống Colonial Pipeline càng bị tê liệt kéo dài thì giá nhiên liệu tại Hoa Kỳ sẽ ngày càng tăng mạnh, đặc biệt là ngay trước thời điểm mùa Hè – mùa cao điểm tiêu thụ xăng dầu tại nước này.

Thậm chí, chuyên gia phân tích Carsten Fritsch thuộc ngân hàng Commerzbank (Đức) cảnh báo nếu như đường ống Colonial Pipeline ngưng vận hành trong khoảng thời gian dài thì cả thị trường nhiên liệu Châu Âu cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ bà Gina Raimondo đã cho biết ưu tiên lớn nhất hiện nay là sớm đưa tuyến đường ống Colonial Pipeline hoạt động trở lại. Vụ tin tặc tấn công đường ống Colonial Pipeline là một trong vụ tấn công mạng nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận tại Hoa Kỳ, đồng thời khiến các nhà lập pháp nước này kêu gọi siết chặt an ninh mạng đối với hệ thống cung cấp năng lượng chủ chốt.

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng hơn 30% nhờ liên minh OPEC+ tiếp tục duy trì mức cắt giảm sản lượng ở mức cao, nền kinh tế Hoa Kỳ hồi phục tốt và các nước Châu Âu đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, đà phục hồi của nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu đang bị đe doạ bởi việc đại dịch Covid-19 tái bùng phát nghiêm trọng tại một số nước Châu Á, đặc biệt là Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới.