Giá dầu thô vượt 76 USD/thùng, nhiều tín hiệu tích cực xuất hiện giúp củng cố đà phục hồi

Bất chấp áp lực giảm đáng kể diễn ra hồi đầu tuần, giá dầu thô vẫn tăng 2,4% trong cả tuần này. Thị trường được hỗ trợ nhờ loạt thông tin tích cực trong hai phiên giao dịch cuối tuần, bao gồm triển vọng tích cực về nhu cầu dầu của Trung Quốc và nguồn cung dầu có thể bị thắt chặt hơn.
Giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent đạt 76,61 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas đạt 71,78 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã tăng 2,4% và giá dầu thô WTI tăng 2,3%. Qua đó, xác lập tuần tăng giá đầu tiên sau hai tuần giảm giá liên tiếp trước đó.

Trong những phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu thô đã chịu áp lực giảm khi thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, sẽ kém hơn kỳ vọng; cùng với đó là nỗi lo các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát.

Tuy nhiên, sức ép lên thị trường đã được giải phóng trong hai phiên giao dịch cuối tuần khi các dữ liệu mới cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc ở mức tích cực và nền kinh tế Hoa Kỳ đang chống chịu tốt hơn kỳ vọng đối với việc lạm phát neo cao kéo dài.

Trong đó, sản lượng của các nhà máy lọc hoá dầu tại Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua đã tăng tới 15,4% so với cùng kỳ năm 2022, chạm mức cao thứ hai trong lịch sử. Đồng thời, Kuwait nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối năm nay. Kuwait hiện là một trong những nước cung ứng dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc.

Vừa qua, Trung Quốc cũng đã phân bổ hạn ngạch nhập khẩu dầu thô lần thứ 3 trong năm nay với tổng mức nhập khẩu dầu trong nửa đầu năm nay dự kiến tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Đồng thời, tâm lý thị trường được cải thiện với kỳ vọng việc Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cắt giảm mạnh sản lượng khai thác trong tháng 7 tới đây sẽ giúp ngăn chặn đà giảm của giá dầu. Saudi Arabia cũng cho biết có thể gia hạn việc giảm sản lượng khai thác trong trường hợp cần thiết.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov vừa nhận định giá dầu thô “có khả năng” đạt được mức giá 80 USD/thùng trong thời gian tới. Ông Nikolai Shulginov cũng cho biết sản lượng khai thác dầu và khí ngưng tụ của Nga trong năm nay sẽ giảm khoảng 400.000 thùng/ngày, tương đương mức giảm đã được nước này ước tính trước đây.

Ngoài ra, đà phục hồi của giá dầu thô được hỗ trợ khi dữ liệu cho thấy số lượng giàn khoan dầu thô đang hoạt động tại Hoa Kỳ trong tuần này đã giảm 4 giàn, xuống còn 552 giàn khoan - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022. Trong khi đó, số lượng giàn khai thác khí tự nhiên giảm 5 giàn, xuống còn 130 giàn khoan - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Điều này có thể cho thấy nguồn cung dầu và khí tự nhiên tại Hoa Kỳ sẽ giảm xuống trong thời gian tới.

Hiện thị trường đang tập trung quan sát và đánh giá tác động của việc một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đến triển vọng kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa nâng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong 22 năm trở lại đây. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm trong tuần sau.

Tường Vy