Giá dầu thô xuống dưới 30 USD/thùng, Ả-rập Xê-út chuẩn bị cho một cuộc chiến giá dầu kéo dài

Chốt phiên giao dịch ngày 16/3, giá dầu thô WTI đã giảm xuống dưới mức 30 USD/thùng - mức thấp kỷ lục kể từ tháng 2/2016; thị trường ngày càng lo ngại sự bùng phát của dịch virus Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào thời kỳ suy thoái mới.

Chốt phiên giao dịch hôm qua (ngày 16/3), giá dầu thô Brent đã giảm mạnh 3,80 USD/thùng tương ứng 11,2% xuống còn 30,05 USD/thùng; trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent rơi tự do xuống còn 29,52 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 1/2016. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm tới 3,03 USD/thùng tương ứng 9,6% còn 28,70 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại việc ngày càng có nhiều quốc gia đóng cửa biên giới hoặc thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch virus Covid-19 có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một thời kỳ suy thoái mới.

Tính đến cuối ngày 16/3, đã có hơn 170.000 ca nhiễm bệnh và hơn 6.600 ca tử vong vì dịch virus Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu; Châu Âu hiện được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là tâm dịch bệnh mới của thế giới.

Nhằm ngăn chặn tình trạng dịch bệnh bùng phát hàng loạt quốc gia trên thế giới như Italy và Tây Ban Nha đã áp đặt lệnh phong toả toàn quốc; Hoa Kỳ đã ngưng toàn bộ hoạt động di chuyển từ Châu Âu đến nước này; Đức đã áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với một số quốc gia Tây Âu như Đan Mạch, Pháp và Thuỵ Sĩ và Canada mới đây đã tuyên bố đóng cửa biên giới.

Những biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ sẽ khiến hàng loạt hoạt động kinh tế bị ngưng trệ và khiến các chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị đứt vỡ nghiêm trọng; đồng thời, tâm lý bi quan về dịch bệnh tăng cao cũng khiến sức tiêu dùng giảm mạnh khiến thị trường đối mặt cùng lúc với cú sốc cung và sốc cầu.

Bên cạnh đó, giá dầu thô còn chịu áp lực giảm trong bối cảnh cuộc chiến giá dầu thô giữa Ả-rập Xê-útNga có dấu hiệu leo thang. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Amin Nasser, giám đốc điều hành tập đoàn khai thác dầu khí quốc doanh Ả-rập Xê-út Saudi Aramco, cho biết tập đoàn này có thể duy trì sản lượng khai thác ở mức cao trong tháng 5/2020. Điều này phản ánh Ả-rập Xê-út sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chiến giá dầu thô diễn ra lâu dài.

Trước đó, Ả-rập Xê-út cho biết sẽ nâng mức sản lượng khai thác từ mức 9,7 triệu thùng/ngày như hiện nay lên mức tối đa 12,3 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4/2020 và có thể lên mức 13 triệu thùng trong thời gian “nhanh nhất có thể”.  Nga cũng cho biết nước này có thể nâng sản lượng khai thác thêm 300.000 – 500.000 thùng/ngày trong tháng 4/2020.

Công nhân khai thác dầu thô
Hoạt động khai thác dầu thô tại Vịnh Mexico (Hoa Kỳ) (Ảnh: Getty Images)

Hãng tư vấn thị trường IHS Markit đánh giá thị trường dầu thô toàn cầu có thể rơi vào tình trạng dư cung đến 80 triệu thùng – 1,3 tỷ thùng dầu, tăng gấp đôi đến gấp ba lần tình trạng dư cung từng diễn ra hồi cuối năm 2015 đến đầu năm 2016 khi khối OPEC gia tăng sản lượng để giành thị phần với các hãng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ.

Giới phân tích dự báo việc giá dầu thô giảm mạnh có thể khiến hàng loạt hãng khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ buộc phải sát nhập hoặc tái cấu trúc. Sự bùng nổ ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến trong những năm gần đây đã giúp đẩy sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ tăng vọt lên mức 13 triệu thùng/ngày, trở thành quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà phân tích, ngành khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ cần giá dầu thô ở mức ít nhất 68 USD/thùng để đạt điểm hoà vốn.

Trong ngày 13/3, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết nước này sẽ đẩy mạnh việc mua dầu thô cho quỹ dự trữ chiến lược quốc gia trong bối cảnh giá dầu thô giảm thấp. Động thái này được cho là nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp khai thác dầu thô Hoa Kỳ trong cuộc chiến giá dầu thô. Trong ngày 16/3, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ có thể bắt đầu thu mua dầu thô từ các hãng khai thác nội địa trong vòng 2 tuần tới và việc thu mua sẽ kéo dài trong vài tháng.

Tuy nhiên, hãng tư vấn Energy Aspects đánh giá việc thu mua dầu thô của Hoa Kỳ khó có thể bù đắp lại được tác động từ việc sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô cũng như sự gia tăng nguồn cung trên thị trường.

Quang Đặng (Tổng hợp)