Giá dầu thô12/7: Chịu áp lực giảm, lo ngại FED tăng mạnh lãi suất

Trong phiên giao dịch sáng nay, giá dầu thô thế giới chịu áp lực giảm xuống. Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường do lo ngại FED có thể tiếp tục tăng mạnh lãi suất vào cuối tháng này.
Giá dầu thô hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 12/7, giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 giảm 0,92% xuống 106,12 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 8/2022 giảm 1,04% xuống còn 102,94 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 11/7, Giá dầu thô Brent tăng nhẹ 0,07% lên 107,10 USD/thùng. Ngược lại, giá dầu thô WTI giảm 0,67% xuống còn 104,09 USD/thùng.

Giới quan sát cho biết các nhà đầu tư trên thị trường dầu mỏ tiếp tục giao dịch thận trọng trong bối cảnh lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể tiếp tục nâng mạnh lãi suất cơ bản vào cuối tháng này nhằm kiềm chế lạm phát. Việc FED mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ trong thời gian gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sớm rơi vào suy thoái trong thời gian tới, kéo theo đó là triển vọng “u ám” về tăng trưởng nhu cầu sử dụng nhiên liệu.

Các biến động chính sách khiến nhiều nhà đầu tư phải giảm vị thế nắm giữ các loại tài sản có tính rủi ro cao như các hợp đồng giao dịch dầu thô tương lai. Tâm lý thận trọng của giới đầu tư được phản ánh qua việc tổng khối lượng hợp đồng mở (Open Inerest) về giao dịch dầu thô WTI trên Sàn giao dịch thương mại New York (NYMEX) trong ngày 7/7 rơi xuống mức thấp nhất kể từ hồi tháng 10/2015.

Tính chung cả tuần trước, các nhà đầu tư đã giảm vị thế quyền chọn và vị thế mua đối với giao dịch dầu thô WTI trên sàn NYMEX và giao dịch dầu thô Brent trên sàn Intercontinental Exchange (ICE) xuống mức thấp nhất kể từ hồi tháng 4/2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn cầu.

Hãng nghiên cứu thị trường EBW Analytics (Hoa Kỳ) cho biết thị trường dầu mỏ hiện đang bị chi phối bởi các nhân tố trái chiều. Một bên là tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường giao ngay có thể còn tiếp tục kéo dài khi các quốc gia khai thác dầu thô lớn vẫn gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác thêm. Một bên còn lại là lo ngại nhu cầu sử dụng trong tương lai có thể giảm xuống và một số dấu hiệu cho thấy tình trạng giá dầu thô neo cao đang tác động tiêu cực đến nhu cầu sử dụng.

Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ toàn cầu còn chịu tác động từ rủi ro Trung Quốc có thể tái phong toả kéo dài nhiều khu vực ở nước này khi nước này vừa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên do biến thể phụ BA.5 Omicron gây ra tại Thượng Hải – trung tâm kinh tế của nước này.

Biến thể phụ BA.5 Omicron đang gây ra làn sóng lây nhiễm mới tại nhiều quốc gia. Điều này sẽ đặt ra những thách thức mới cho chiến lược zero-Covid của Trung Quốc. Kể từ cuối tuần trước, Trung Quốc đã tái áp dụng các biện pháp phong toả tại một số thành phố lớn chỉ sau vài tuần nới lỏng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Mặt khác, việc đồng USD tăng giá lên mức cao nhất trong gần 20 năm trở lại đây so với các loại tiền tệ chủ chốt khác trên thế giới khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD như dầu mỏ trở nên “đắt đỏ” hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác, giảm sức hấp dẫn của kênh đầu tư này so với các kênh đầu tư khác.

Tường Vy