Giá dầu tiếp tục tăng cao, IEA nâng dự báo nhu cầu sử dụng dầu năm 2022

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 15/10, giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế điều chỉnh nâng dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm 2022.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 15/9 - 15/10/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 10h45 sáng nay ngày 15/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 tiếp tục tăng 0,55% lên 84,45 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 11/2021 cũng tăng 0,52% lên 81,73 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 14/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng 1% lên mức 84 USD/thùng – mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2018. Giá dầu thô WTI cũng tăng hơn 1% lên mức 81,31 USD/thùng – mức chốt phiên giao dịch cao nhất kể từ năm 2014.

Trong đầu phiên giao dịch, giá dầu thô đã chịu áp lực giảm sau khi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết lượng tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã tăng thêm tới 6 triệu thùng. Con số này cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 702.000 thùng của giới phân tích đưa ra trước đó. Nguyên nhân chủ yếu do các nhà máy lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ bắt đầu bước vào mùa thấp điểm, kéo theo đó là sự suy giảm nhu cầu sử dụng dầu thô. Đồng thời, sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước tiếp tục tăng lên mức 11,4 triệu thùng.

Tuy nhiên, giá dầu thô đã được nâng đỡ về cuối phiên sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm 2022 sẽ tăng thêm 210.000 thùng/ngày lên mức 99,6 triệu thùng/ngày – ngang bằng với mức sử dụng trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. IEA nhận định tình trạng giá các nguồn năng lượng khác tăng cao đang thúc đẩy ngành sản xuất điện và các ngành sản xuất có mức thâm dụng năng lượng lớn chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng giá rẻ như dầu thô.

IEA cũng cảnh báo sự lan rộng của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ đẩy lạm phát trên toàn cầu tăng cao và khiến nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn. Hiện Chính phủ Hoa Kỳ đang tiến hành thảo luận với các hãng cung cấp năng lượng lớn của nước này trong bối cảnh dự kiến giá các mặt hàng năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng mùa đông tới đây. Hoa Kỳ cũng đang gia tăng sức ép buộc liên minh OPEC+ nâng sản lượng khai thác nhằm hạ nhiệt giá dầu thô.

Tuy nhiên, Ả-rập Xê-út, quốc gia thành viên chủ chốt của liên minh OPEC+, cho biết hành động liên minh OPEC+ đang nỗ lực bảo vệ thị trường dầu mỏ khỏi các biến động giá nghiêm trọng như những gì đang xảy ra trên thị trường khí tự nhiên và thị trường than toàn cầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa nhận định giá dầu thô có thể đạt 100 USD/thùng trong thời gian tới khi nhu cầu sử dụng các mặt hàng năng lượng ngày càng tăng cao. 

Hiện thị trường tập trung quan sát các động thái của liên minh OPEC+ về việc nâng sản lượng khai thác trong những tháng cuối năm nay. Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Quang Đặng