Giá dầu tiếp tục trụ ở đỉnh cao trước lo ngại gián đoạn nguồn cung, thị trường kim loại giữ đà tăng

Giá dầu thế giới tăng vọt trong phiên cuối cùng của tháng 2/2022 khi các nước phương Tây ban hành các lệnh trừng phạt đối với Nga và chặn nhiều ngân hàng của nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, điều có thể gây gián đoạn nghiêm trọng cho hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.

Giá dầu thế giới tăng vọt trong phiên cuối cùng của tháng 2/2022 khi các nước phương Tây ban hành các lệnh trừng phạt đối với Nga và chặn nhiều ngân hàng của nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, điều có thể gây gián đoạn nghiêm trọng cho hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/2/2022,  giá dầu thô Brent đã chạm mức 105,07 USD/thùng trước khi lùi dần về mức 100,99 USD/thùng, tăng 3,06 USD, tương đương 3,12%. Dầu thô WTI tăng 4,13 USD hay 4,5% lên 95,72 USD/thùng sau khi chạm mức 99,1 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch ngày đầu tháng 3/2022, giá dầu thô WTI tương lai ổn định trên 97 USD / thùng, giá dầu Brent giao sau tăng hơn 3% lên trên 101 USD/thùng do lo ngại về nguồn cung của Nga bị gián đoạn nhiều hơn là bù đắp cho việc Mỹ và các đồng minh có thể giải phóng kho dự trữ dầu thô chiến lược. Mỹ và các nước khác đang cân nhắc mức giải phóng từ 60 triệu đến 70 triệu thùng, tương đương với sản lượng chưa đầy sáu ngày của Nga.

Giá dầu tăng vọt khi các đồng minh phương Tây áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Nga và loại một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu, điều này có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng tới xuất khẩu dầu của nước này.

Các công ty như BP và Shell cũng đã công bố kế hoạch rút khỏi các hoạt động của Nga, còn các nhà nhập khẩu dầu của Nga gặp khó khăn trong việc thanh toán và giao hàng. Nga đang đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng về xuất khẩu các hàng hóa của họ từ dầu tới ngũ cốc sau khi các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Moscow và loại bỏ một số ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

giá dầu
Giá dầu Brent trong phiên giao dịch ngày 1/3/2022. Nguồn: Trading Economic

Chuyên gia phân tích của ngân hàng Commerzbank (Đức) Carsten Fritsch cho biết Nga có thể đáp trả các biện pháp này bằng cách giảm hay thậm chí là ngừng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu năng lượng sang châu Âu.

Goldman Sachs dự đoán giá các loại hàng hóa mà Nga là nhà sản xuất lớn sẽ tăng mạnh từ giờ, trong đó ngân hàng này đã nâng mức giá dự đoán của dầu Brent từ 95 USD/thùng lên 115 USD/thùng.

Theo cố vấn cho Tổng thống Ukraine, các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga đã bắt đầu tại biên giới Belarus nhằm đi đến một thỏa thuận giảm bớt căng thẳng giữa Nga-Ukraine. Chuyên gia của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ) Jeffrey Halley dự đoán nếu cuộc gặp này có tiến triển, thị trường sẽ có sự đảo chiều mạnh.

Giá dầu đã trượt nhẹ khỏi mốc 105 USD/thùng sau khi Wall Street Journal đưa tin Mỹ và các quốc gia tiêu thụ dầu lớn đang xem xét giải phóng 70 triệu thùng dầu khỏi kho dự trữ khẩn cấp của họ.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 2/3. OPEC+ được dự đoán vẫn giữ kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.00 thùng/ngày vào tháng Tư.

Trước thềm cuộc họp này, OPEC+ đã điều chỉnh giảm khoảng 200.000 thùng/ngày trong mức thặng dư dự đoán của thị trường dầu trong năm 2022 xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày.

Thị trường kim loại tiếp tục tăng giá

Giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.898,25 USD/ounce, sau khi tăng 2,2% trong đầu phiên. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa tăng 0,7% lên 1.900,7 USD/ounce. Vàng thường được sử dụng làm nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm bất ổn về chính trị và tài chính, đã tăng 6,5% trong tháng 2, trong tuần trước giá đã đạt 1.973,96 USD, cao nhất trong 18 tháng.

giá vàng
Giá vàng lập đỉnh mới trong phiên giao dịch sáng ngày 1/3/2022. Nguồn: Trading Economic

Giá nhôm tăng vọt lên mức kỷ lục mới sau khi các quốc gia phương Tây công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga để đáp trả cuộc tấn công Ukraine, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung. Nhôm giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME đã đạt kỷ lục 3.525 USD/tấn, trước khi giảm xuống chỉ tăng 0,8% lên 3.385 USD/tấn.

Nhôm đã liên tiếp đạt các đỉnh kỷ lục gần đây và tăng 12% trong tháng 2, mức tăng một tháng lớn nhất kể từ tháng 4/2018.

Thêm các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn được công bố cuối tuần qua gồm việc loại bỏ một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thông thanh toán quốc tế SWIFT có thể làm gián đoạn xuất khẩu hàng hóa của Nga. Nhôm là kim loại sử dụng nhiều năng lượng nhất để sản xuất.

Nga sản xuất khoảng 6% lượng nhôm thế giới và chiếm khoảng 7% nguồn cung nicken toàn cầu. Nga cũng là một nhà sản xuất lớn khí đốt tự nhiên sử dụng để sản xuất điện.

Giá nicken LME giảm 0,5% xuống 24.235 USD/tấn sau khi tăng 3% trong đầu phiên này.

Rusal, nhà sản xuất nhôm của Nga đã dừng xuất khẩu alumin từ nhà máy luyện Nikolaev công suất 1,75 Mtpa nằm gần cảng Mykolaiv của Ukraine, theo công ty tư vấn Wood Mackenzie.

Quặng sắt tại Trung Quốc và Singapore tăng do lo ngại rằng xung đột vũ trang kéo dài giữa Nga và Ukraine có thể hạn chế nguồn cung toàn cầu.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 2,7% lên 705,50 CNY (111,82 USD)/tấn sau khi chạm 712 CNY/tấn trong phiên này.

Tại Singapore hợp đồng quặng sắt giao tháng 4 tăng khoảng 3,3% lên 141,25 USD/tấn.

Nga và Ukraine không phải là các nhà cung cấp quặng sắt lớn cho Trung Quốc, hiện nay hai quốc gia này thường xuất khẩu sang các nước Châu Âu.

Khi Thế vận hồi Mùa đông Bắc Kinh kết thúc, công suất sử dụng các lò cao của Trung Quốc tăng trở lại dẫn đến tồn kho quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc giảm nhanh hơn, cũng được dự kiến hỗ trợ thêm cho giá. Các yếu tố hỗ trợ quặng sắt vẫn còn nguyên vẹn ngay cả khi cơ quan kế hoạch nhà nước Trung Quốc tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động thị trường sau khi giá tăng mạnh gần đây.

Thép thanh tăng 2% trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, thép cuộn cán nóng tăng 3,5%. Thép không gỉ giảm 3,2%.

Nguyên Hà