Giá kẽm chạm đỉnh 14 năm, hãng sản xuất kẽm lớn nhất thế giới giảm 50% công suất vì giá điện tăng vọt

Giá kim loại kẽm trên thị trường thế giới đã chạm mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây sau khi hãng sản xuất kẽm lớn nhất thế giới Nyrstar cho biết phải giảm 50% công suất hoạt động tại khu vực Châu Âu vì chi phí năng lượng tăng vọt.
giá kẽm
 Diễn biến giá kim loại kẽm giao sau 3 tháng trên sàn LME trong 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: lme.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 13/10 (theo giờ địa phương), giá kim loại kẽm giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng vọt 3,86% lên mức 3.369,5 USD/tấn – mức cao nhất kể từ hồi tháng 3/2018.

Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), giá kim loại kẽm giao tháng 11/2021 cũng tăng 1,5% lên mức 24.000 Nhân dân tệ (3.721,69 USD)/tấn, chạm mức cao nhất kể từ hồi tháng 11/2007.

Giá kim loại kẽm bật tăng mạnh sau khi hãng luyện kim Nyrstar (Bỉ) cho biết phải giảm đến 50% công suất sản xuất tại khu vực Châu Âu do chi phí năng lượng đầu vào ở mức cao kỷ lục. Trước đó, hãng này đã cho biết phải ngưng hoạt động một nhà máy sản xuất kẽm lớn tại Hà Lan trong giờ cao điểm nhằm giảm chi phí năng lượng. Nyrstar hiện là hãng sản xuất kẽm và một số kim loại công nghiệp cơ bản lớn hàng đầu thế giới. Hiện Nyrstar chưa cho biết số liệu ước tính về mức sụt giảm sản lượng.

Tính từ đầu tháng 10 đến nay, giá kim loại kẽm trên thị trường thế giới đã tăng hơn 14% khi thị trường ngày càng lo ngại về tình trạng suy giảm nguồn cung trong những tháng cuối năm nay. Cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng tại Trung Quốc đang khiến nhiều nhà máy luyện kim tại nước này phải giảm hoặc ngưng hoạt động sản xuất, kéo theo đó là sự sụt giảm nguồn cung các kim loại công nghiệp cơ bản như kẽm. Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất kẽm lớn nhất thế giới.

Trước đó, Tổ chức Nghiên cứu Kẽm và Chì Quốc tế (ILZSG)) dự báo sản lượng kẽm trên toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 2,5% so với năm ngoái, lên mức 14,13 triệu tấn. Trong đó, mức tăng sản lượng kẽm trên toàn cầu chủ yếu đến từ phía Trung Quốc. Do đó, tình trạng các nhà máy luyện kim tại nước này phải giảm, ngưng hoạt động kéo dài sẽ khiến thị trường đối mặt rủi ro thiếu hụt nguồn cung tại cả Trung Quốc và khu vực Châu Âu.

diễn biến giá kẽm
 Diễn biến giá kẽm trên sàn LME so với diễn biến chi phí năng lượng tại Hà Lan trong thời gian vừa qua (Đồ hoạ: Bloomberg.com)

Tình trạng thiếu hụt điện năng tại nhiều quốc gia sẽ khiến nhu cầu sử dụng các kim loại công nghiệp cơ bản trong lĩnh vực sản xuất chế tạo suy giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng ở phía hạ nguồn. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định tác động của sự suy giảm nguồn cung đối với thị trường đang lớn hơn so với sự suy giảm nhu cầu. Do tỷ trọng của chi phí năng lượng trong sản phẩm luyện kim đang tăng mạnh hơn nhiều so với tỷ trọng giá trị của sản phẩm luyện kim trong tổng giá trị các sản phẩm của chuỗi sản xuất.

Nhiều mỏ khai thác kẽm lớn tại phía Bắc Trung Quốc cũng chuẩn bị bắt đầu ngưng hoạt động khi mùa đông bắt đầu, điều này buộc các hãng luyện kim phải tăng cường thu mua tinh quặng trong những ngày tới đây để đảm bảo đủ lượng dự trữ cho sản xuất.

Quang Đặng