Các dữ liệu mới nhất cho thấy lượng khí đốt được dự trữ trong các kho chứa ngầm của Liên minh châu Âu (EU) tính đến tháng 6 mới chỉ đạt 58,18% năng lực dự trữ, thấp hơn gần 2% so với mức trung bình 5 năm trở lại đây. Điều này khiến nhiều giới quan sát cảnh báo EU đang đối mặt với rủi ro khủng hoảng năng lượng lớn hơn bao giờ hết.

Nguyên nhân chính khiến tốc độ dự trữ khí đốt của EU giảm là do lượng khí đốt của Nga chuyển cho EU qua tuyến đường ống Nord Stream 1 hiện chỉ đạt 40% công suất. Nga cho biết đang phải tiến hành một số bảo dưỡng cần thiết đối với tuyến đường ống này.

Tuyến đường ống Nord Stream 1 là một trong ba tuyến đường ống cung cấp khí chủ chốt từ Nga sang châu Âu. Đức hiện cảnh báo sản lượng khí đốt qua tuyến đường ống Nord Stream 1 có thể sẽ không đạt mức 100% như trước đây ngay cả khi Nga kết thúc bảo dưỡng đường ống.

Trong khi đó, Nga đã ngưng cung cấp khí đốt cho EU qua tuyến đường ống Yamal-Europe do những xung đột chính trị giữa Nga và Ba Lan – nơi tuyến đường ống này đi qua, Ba Lan cũng đã ngưng mua khí đốt từ Nga. Hiện chỉ còn duy nhất tuyến đường ống TurkStream vận chuyển khí đốt từ Nga sang EU qua Thổ Nhĩ Kỳ còn hoạt động đầy đủ. Tuy nhiên, tuyến đường ống này chủ yếu phục vụ các quốc gia EU tại khu vực Đông Nam và Trung Âu.

Ngoài ra, tỷ lệ huy động điện gió trong việc cung ứng điện của EU trong tháng 6 tiếp tục giảm xuống so với tháng 5, khiến EU phải sử dụng nhiều khí đốt hơn cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp.

Diễn biến giá khí đốt tại EU
Diễn biến giá khí đốt TTF tại EU qua các tháng (Đồ hoạ: S&P Global Commodity Insights)

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Commodity Insights (Anh) cho thấy giá khí đốt kỳ hạn trên sàn giao dịch TTF (Hà Lan) đạt trung bình 99 EUR/MWh trong nửa đầu năm nay. Con số này gần gấp 5 lần so với mức trung bình 22 EUR/MWh trong nửa đầu năm 2021.

EU hiện đặt mục tiêu đạt mức dự trữ khí đốt tối thiểu 80% trước mùa Đông năm nay và tăng lên 90% trong các giai đoạn tiếp theo. Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga sụt giảm, một số quốc gia thành viên EU đã phải khởi động kế hoạch khẩn cấp về phân phối khí đốt nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Trong đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU có thể sẽ phải buộc cắt giảm nguồn cung khí đốt cho hoạt động công nghiệp để ưu tiên cho các hộ gia đình và tổ chức quan trọng như bệnh viện.

Một số nhà phân tích nhận định tình trạng giá khí đốt tăng quá cao tại EU sẽ khiến nhu cầu sử dụng khí đốt tại đây bắt đầu sụt giảm kể từ quý 3 năm nay. Trong đó, một số quốc gia EU đang lên kế hoạch tăng cường huy động điện từ các nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo nguồn cung điện cho những tháng mùa Đông tới đây.