Giá khí LNG khu vực Châu Á lập đỉnh giá mới, cao nhất kể từ năm 2009

Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho biết giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao ngay tại khu vực Châu Á đã lập đỉnh giá mới trong tuần trước trong bối cảnh nguồn cung khí trên toàn cầu tiếp tục ở mức yếu nhưng nhu cầu mua tích trữ khí đang ngày càng tăng khi mùa đông đến gần.

Cụ thể, chỉ số giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) S&P Global Platts JKM đối với các lô khí giao tháng 10/2021 đã đạt mức 34,47 USD/MMBtu vào ngày 30/9, tăng vọt 2,82 USD/MMBtu chỉ trong một ngày. Đây là mức giá cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi chỉ số giá khí LNG S&P Global Platts JKM được thiết lập hồi đầu năm 2009. Chỉ số này phản ánh mức biến động giá khí LNG giao ngay tại khu vực Châu Á.

Ông Jeff Moore, người đứng đầu bộ phận phân tích giá khí LNG khu vực Châu Á tại S&P Global Platts, cho biết “Việc chỉ số giá khí LNG JKM ở mức cao kỷ lục đang cho thấy tình trạng khủng hoảng khí tự nhiên trên toàn cầu hiện nay. Không giống như hồi giá khí LNG đạt mức cao kỷ lục trong năm ngoái, giá khí LNG tại Châu Á hiện đang được hỗ trợ mạnh bởi việc giá khí tự nhiên tại Châu Âu ở mức cao kỷ lục và còn có thể cao hơn nữa trong những tháng mùa đông tới đây nếu như nhiệt độ giảm thấp hơn thông thường”.

Giá khí LNG đã từng đạt đỉnh kỷ lục 32,50 USD/MMBtu vào ngày 14/1/2021 khi tình trạng cung ứng khí gặp khó khăn, mất điện diện rộng diễn ra và nhiệt độ mùa đông thấp kỷ lục tại một số quốc gia khiến nhu cầu sử dụng khí ở khu vực hạ nguồn tăng vọt đột ngột.

Giới quan sát cho biết giá khí LNG tại khu vực Châu Á đang tiếp tục được đẩy lên trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nguồn cung khí tự nhiên tại Châu Âu lan rộng và tình trạng thiếu điện nghiêm trọng tại Trung Quốc. Đồng thời, các dự báo thời tiết hiện cho thấy nhiệt độ mùa đông năm nay tại Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ ở mức thấp. Mặt khác, hoạt động khai thác khí tại một số mỏ của Hoa Kỳ, Oman và Malaysia hiện bị gián đoạn; nguồn cung khí trong nội khu vực Châu Âu hiện vẫn đang ở mức thấp. Tất cả những điều này đã khiến nhiều bên trên thị trường tranh giành các lô khí có sẵn trên thị trường.

tàu chở khí LNG
 Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông sắp tới đang khiến nhiều bên trên thị trường đẩy mạnh gom mua các lô khí LNG giao ngay (Ảnh: Financial Tribune)

Hãng S&P Global Platts dẫn lời một số nguồn tin cho biết Công ty Dầu khí và Hóa chất quốc tế (UNIPEC) của Trung Quốc vừa gom mua thành công tới 15 lô khí giao từ cuối tháng 11/2021 đến tháng 3/2022. Trong những tháng gần đây, hàng loạt tập đoàn lớn của Trung Quốc đã gom mua hàng chục lô khí LNG nhằm tăng cường dự trữ.

Các nguồn tin thị trường cũng cho biết một hãng sản xuất điện lớn tại khu vực Đông Bắc Á cũng đã gom mua một số lô khí trong tuần trước. Điều này khiến thị trường ngày càng lo ngại về mức độ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng khí LNG tăng vọt tại các quốc gia Đông Bắc Á trong những tháng mùa đông tới đây.

Việc giá khí LNG giao ngây tăng cao kỷ lục hiện nay đã khiến cấu trúc giá trên thị trường khí LNG toàn cầu rơi vào tình trạng hiếm gặp “bù hoãn bán” (backwardation), giá khí LNG trong những tháng cao điểm của mùa đông hiện thấp hơn giá khí giao ngay.

Cụ thể, chỉ số giá khí LNG JKM cho các lô khí giao trong tháng 12/2021, tháng 1/2022 và tháng 2/2022 hiện lần lượt ở mức 35,15 USD/MMBtu, 34 USD/MMBtu và 33,70 USD/MMBtu.

Một số nhà phân tích cảnh báo tình trạng khí LNG ở mức quá cao có thể khiến nhu cầu mua khí LNG giao ngay tại các quốc gia Nam Á suy giảm, đồng thời khiến thị trường Đông Nam Á cân nhắc hơn về việc tăng cường sử dụng khí LNG. Hiện một số nhà máy điện tại Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ đã chuyển sang sử dụng dầu nhiên liệu thay vì dùng khí LNG để tiết giảm chi phí. Nhiều khách hàng tại khu vực hạ nguồn cũng đang tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ khác thay vì dùng khí LNG.

Quang Đặng