Giá kim loại đồng sụt giảm mạnh – Tín hiệu báo động rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu

Diễn biến giá đồng thường được xem là chỉ báo sớm cho sức khoẻ nền kinh tế toàn cầu. Giá đồng đang trên đà giảm mạnh khi rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng hiện hữu.

Giá đồng sụt giảm mạnh

Lịch sử diễn biến giá đồng cho thấy giá kim loại công nghiệp này thường đi lên khi nền kinh tế tăng trưởng và giảm xuống theo đà suy yếu của nền kinh tế. Đồng là một trong những kim loại được sử dụng phổ biến nhất trong các hoạt động sản xuất công nghiệp. Nhiều nhà đầu tư coi giá đồng là một trong những chỉ báo quan trọng phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế toàn cầu.

Trong ngày 23/6, giá đồng trên thị trường thế giới đã chạm mức thấp nhất trong vòng 16 tháng trở lại đây. Tính chung cả tuần trước, giá kim loại này đã giảm 6,5% - mức giảm giá theo tuần mạnh nhất trong vòng 1 năm trở lại đây và tính chung nửa đầu tháng 6, giá đồng đã “bốc hơi” 11%. So với đỉnh giá lịch sử được thiết lập hồi tháng 3 năm nay, giá kim loại đồng hiện đã giảm 25%.

Diễn biến giá đồng
 Diễn biến giá kim loại đồng thế giới trong vòng 1 năm trở lại đây (Nguồn: tradingeconomics.com)

Giá đồng và nhiều kim loại công nghiệp khác đã tăng vọt ngay sau khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 do lo ngại tình trạng đứt gãy nguồn cung kim loại khi nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho thấy Nga đang chiếm 4% tổng sản lượng đồng và gần 7% tổng sản lượng nikcel trên toàn cầu.

Tuy nhiên, khi nhu cầu tích trữ để đối phó với rủi ro đứt gãy nguồn cung hạ nhiệt thì giá đồng cũng như nhiều loại hàng hoá khác đang bắt đầu giảm xuống do lo ngại nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái.

Ông Daniel Ghali, Giám đốc chiến lược thị trường hàng hoá tại tập đoàn tài chính TD Securities (Canada), nhận định “Rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc đã được phản ánh trong giá kim loại đồng. Một khi nhu cầu tích trữ chấm dứt, nhu cầu sử dụng hàng hoá, nguyên liệu thô bắt đầu bám sát diễn biến tăng trưởng kinh tế”.

Không chỉ giá đồng chịu áp lực giảm mạnh, giá hàng loạt kim loại công nghiệp quan trong khác cũng đã lao dốc trước rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong đó, giá nickel đã giảm 13% trong tuần trước, chạm mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Đồng thời, giá thiếc giảm 22% - xác lập tuần giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2005. Nếu so với mức đỉnh lịch sử hồi tháng 3 vừa qua, giá kim loại thiếc hiện đã giảm hơn 50%. Giá nhôm cũng giảm 2%, giá kẽm giảm 5% và giá chì giảm 7% trong tuần trước.

Rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng  

Cuối tuần trước, công ty nghiên cứu IHS Markit (Anh) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đối với lĩnh vực sản xuất trong tháng 6 của Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 23 tháng trở lại đây. Tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ  tại Hoa Kỳ trong tháng 6 cũng ở mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây.

Các doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng bi quan hơn về triển vọng kinh tế khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) mạnh tay nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Điều này kéo theo hàng loạt mức lãi suất khác như vay mua nhà, ô tô, chi tiêu tín dụng và vay kinh doanh tăng theo, ảnh hưởng đến hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp tại Hoa Kỳ. Nhiều tổ chức kinh tế nhận định Hoa Kỳ có thể rơi vào suy thoái trong năm sau và FED sẽ không thể đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm”.

Bên cạnh đó, hàng loạt các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI)… đã và đang có động thái nâng mạnh lãi suất. Điều này có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm đáng kể trong thời gian tới.

Giám đốc IMF Kristalina Georgieva
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo khả năng để nền kinh tế Hoa Kỳ tránh khỏi một cuộc suy thoái đang ngày càng thấp hơn trong bối cảnh FED mạnh tay nâng lãi suất cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát (Ảnh: Reuters)

Tập đoàn tài chính Citigroup (Hoa Kỳ) nhận định xác suất rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu hiện lên đến 50% khi hàng loạt ngân hàng trung ương trên toàn cầu siết chặt chính sách tiền tệ. Tại châu Âu, chỉ số PMI đối với Khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) với 19 nước trong tháng 6 đã chạm mức thấp nhất trong 16 tháng qua.

Trong khi đó, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang phải áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt tại nhiều nơi nhằm kiểm soát dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ chỉ đạt 2,9%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,7% trong năm 2021 cũng như mức dự báo tăng 4,1% được Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 1.

Tổ chức này cũng cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ duy trì quanh ngưỡng thấp này trong cả năm 2023 và 2024 và lạm phát tại nhiều quốc gia sẽ ở mức cao hơn mục tiêu. Điều này đồng nghĩa thế giới sẽ ở trong tình trạng tăng trưởng thấp cùng với lạm phát cao (đình lạm) như những năm 1970.

Ông Daniel Ghali nhận định trong trung hạn, giá kim loại đồng sẽ đối mặt với rủi ro giảm giá cao tương ứng với rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tường Vy