Giá LNG tại châu Á tăng lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay

Giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, đạt 42,50 USD/mmBtu. Mức giá này cao hơn tới 160% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 1.400% so với thời điểm cuối tháng 7/2020.
Tàu chở khí LNG
 Tàu chở khí SCF La Perouse tại thành phố cảng Nakhodka, Nga vào ngày 13/6/2022 (Ảnh: Reuters)

Giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao ngay tại thị trường châu Á trong tuần trước đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, đạt 42,50 USD/mmBtu. Mức giá này cao hơn tới 160% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 1.400% so với thời điểm cuối tháng 7/2020. Mức giá này cũng vượt mức 40,50 USD/mmBtu - được thiết lập vào ngày 4/3 sau khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ.  

Giới phân tích cho biết việc giá LNG giao ngay tại châu Á tăng cao kỷ lục chủ yếu do tác động lan toả từ cuộc khủng hoảng khí đốt tại châu Âu đang diễn ra chứ không xuất phát từ việc nhu cầu của thị trường châu Á tăng lên.

Trên thực tế, lượng LNG được khu vực châu Á nhập khẩu đã giảm từ đầu năm đến nay. Hãng nghiên cứu thị trường hàng hoá Kpler (Singapore) ước tính nhu cầu nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong tháng 7 sẽ chỉ ở mức 5,12 triệu tấn, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, lượng LNG được nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhập khẩu ước đạt 36,53 triệu tấn, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2021, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Đối với Nhật Bản, tính chung 7 tháng đầu năm nay, lượng LNG được nước này nhập khẩu đạt 44,5 triệu tấn, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu thu mua LNG của Hàn Quốc, quốc gia nhập khẩu LNG lớn thứ 3 tại châu Á, cũng đang suy yếu. Lượng LNG được Hàn Quốc nhập khẩu từ đầu năm đến nay đã giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lượng LNG được nước này nhập khẩu trong tháng 7 giảm đến 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, phần lớn các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với rủi ro xảy ra khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi Nga cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt. Kể từ ngày 27/7, tập đoàn dầu khí Gazprom thuộc Chính phủ Nga cho biết bắt đầu giảm lượng khí đốt cung cấp qua tuyến đường ống Nord Stream 1 xuống còn tương đương 20% công suất của đường ống này và giảm một nửa so với trước đó. Nord Stream 1 hiện là tuyến cung cấp khí đốt chủ chốt từ Nga sang EU.

Nỗi lo thiếu khí đốt cho mùa Đông sắp tới đã khiến Ủy ban châu Âu đề nghị các nước thành viên EU cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong thời gian tới. Nhiều quốc gia EU đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung khí đốt ngoài Nga, triển khai các cơ sở lưu trữ và phân phối khí LNG nhằm thay thế nguồn cung khí tự nhiên từ Nga.

Tường Vy