Giá ngô giao dịch giằng co trước kỳ thu hoạch ngô vụ mới của Hoa Kỳ

Giá các loại nông sản trên thế giới, đặc biệt là giá ngô, có xu hướng đi xuống trong những phiên giao dịch gần đây. Thị trường kỳ vọng giá ngô có thể tăng lên trong ngắn hạn khi hoạt động xuất khẩu ngô của Hoa Kỳ bị gián đoạn bởi siêu bão Ida.
Giá ngô
 Diễn biến giá ngô giao tháng 12/2021 trên sàn CBOT trong 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 1/9 (theo giờ Việt Nam), giá ngô giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) giảm nhẹ 11 cents xuống mức 5,22 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô). 

Giá đậu tương giao tháng 11/2021 cũng giảm 14,34 cents xuống còn 12,77 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương) và giá lúa mì giao tháng 12/2021 giảm 8 cents xuống mức 7,14 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương).

Tính chung cả tháng 8 vừa qua, giá ngô đã giảm 4,47%; giá đậu tương giảm 4,54% và giá lúa mì giảm nhẹ 0,77%.

Xét về góc độ kỹ thuật, một số chuyên gia nhận định đa phần các đường xu hướng hiện đều cho thấy thị trường sẽ đi xuống do đó giới đầu tư đang đẩy mạnh xả bán, tạo áp lực lên giá các mặt hàng nông sản.

Đặc biệt, đối với mặt hàng ngô, áp lực về nguồn cung ngày càng lớn hơn khi vụ thu hoạch ngô mới tại Hoa Kỳ đang đến gần cùng với đó là sự vắng bóng của Trung Quốc trên thị trường khiến thị trường hoài nghi về nhu cầu nhập khẩu ngô của nước này trong thời gian tới. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới.

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn phái sinh hàng hoá tại Việt Nam, cho biết tâm lý trên thị trường hiện vẫn đang kỳ vọng giá ngô có thể tăng trong ngắn hạn sau khi siêu bão Ida gây thiệt hại đối và buộc cảng ngũ cốc New Orleans của Hoa Kỳ tạm ngưng hoạt động. Đây là một trong những cảng xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới. Điều này có thể khiến nguồn cung ngô từ Hoa Kỳ tạm thời gián đoạn khi cao điểm thu hoạch đang đến gần. Thị trường hiện tập trung quan sát các thông tin về tình hình hoạt động của cảng New Orleans.

Về phía nguồn cung, Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thu hoạch ngô niên vụ 2021/2022 từ giữa tháng 9 cho đến tháng 11 năm nay. Tính đến tuần kết thúc vào ngày 29/8, mới chỉ có 9% tổng diện tích canh tác ngô tại Hoa Kỳ bước vào giai đoạn trưởng thành, thấp hơn mức 11% của cùng kỳ năm ngoái cũng như mức trung bình của 5 năm gần nhất. Khi vụ thu hoạch càng đến gần thì sản lượng ngô niên vụ 2021/2022 sẽ càng được ước tính chính xác hơn.

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường nông sản thế giới tuần vừa qua của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

Tỷ lệ cây trồng
Mức đánh giá cây trồng từ tốt đến tuyệt vời tại Hoa Kỳ (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures) 

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) sẽ công bố Báo cáo Ước tính cung – cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 9/2021 vào ngày 10/9 tới đây. Thị trường lo ngại USDA có thể giảm dự báo năng suất ngô niên vụ 2021/2022 như đã diễn ra trong báo cáo WASDE tháng 8/2021.

Trong tháng 7/2021, khu vực Vành đai canh tác ngô (Corn Belt) - vùng tập trung các khu vực canh tác ngô lớn nhất của Hoa Kỳ đã chịu tác động tiêu cực từ tình trạng khô hạn, mưa chỉ bắt đầu xuất hiện trong nửa cuối tháng 8 vừa qua. Bên cạnh đó, tỷ lệ đánh giá diện tích canh tác ngô đạt chất lượng tốt đến xuất sắc liên tục giảm xuống và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Brazil, vụ ngô Safrinha (mùa vụ thứ 2 trong năm) của Brazil đã sắp thu hoạch xong. Cơ quan giám sát nguồn cung nông sản Brazil (CONAB) cho biết, tính đến ngày 28/8, khoảng 86,9% sản lượng ngô trồng tại nước này đã được thu hoạch. Hoạt động thu hoạch ngô tại bang Mato Grossco – bang có diện tích canh tác ngô lớn nhất tại Brazil đã kết thúc.

Tổng sản lượng ngô niên vụ 2020/2021 của Brazil được CONAB ước đạt 86,65 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với mức 102,51 triệu tấn của niên vụ 2019/2020. Tuy nhiên, sản lượng ngô niên vụ 2021/2022 của nước này được dự báo sẽ phục hồi lên mức 115,95 triệu tấn.

Công ty Cổ phần Saigon Futures nhận định trong thời gian tới, thị trường quốc tế sẽ đón nguồn cung ngô lớn từ cả Hoa Kỳ (ngô niên vụ 2021/2022) và Brazil (ngô niên vụ 2020/2021). Điều này có thể tạo nên các áp lực về giá trong thời gian tới.

Xem thêm các phân tích thị trường nông sản tại đây.

Về phía cầu, nhu cầu sử dụng ngô tại Hoa Kỳ đang suy yếu khi hoạt động sản xuất ethanol từ ngô giảm xuống. Ngoài ra, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cho biết đang đề xuất giảm lượng nhiên liệu sinh học mà các nhà máy lọc dầu tại nước này phải pha trộn vào nhiên liệu trong năm nay ở mức thấp hơn năm 2020. Nếu được chấp thuận, đề xuất này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu về ngô. Khoảng 40% sản lượng ngô hàng năm của Hoa Kỳ là được dùng cho sản xuất ethanol.

Xuất khẩu sang Trung Quốc
 Dữ liệu xuất khẩu ngô của Hoa Kỳ sang Trung Quốc theo tuần (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures) 

Đối với Trung Quốc, USDA hiện vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu nhập khẩu ngô của nước này trong niên vụ 2021/2022 ở mức 26 triệu tấn. Trong tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã ồ ạt mua vào lượng lớn ngô thuộc niên vụ mới lên tới 10,7 triệu tấn. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, nước này đã ngưng thu mua, đồng thời huỷ các hợp đồng ngô thuộc niên vụ cũ. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang có kế hoạch cắt giảm 30% lượng ngô nhập khẩu trong niên vụ 2021/2022 do sản lượng ngô nội địa tăng lên.

Công ty Cổ phần Saigon Futures (https://saigonfutures.com) là thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) – Sở giao dịch hàng hoá được cấp phép chính thức bởi Bộ Công Thương. Năm 2020, Saigon Futures vinh dự nhận giải thưởng “Thành viên kinh doanh xuất sắc của MXV”. Saigon Futures cung cấp báo cáo ngành độc quyền định kỳ, giảm phí phần mềm và hoàn phí dữ liệu cho khách hàng đủ điều kiện giao dịch.

Quang Đặng