Giá ngũ cốc chạm kỷ lục cao nhất 8 năm, giá thịt được dự báo sẽ tăng cao hơn

Giá ngũ cốc thế giới hiện đang chạm mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây, khiến dòng chảy thương mại toàn cầu trong lĩnh vực chăn nuôi bị đảo lộn. Đồng thời, chi phí chăn nuôi trên toàn cầu tăng cao và báo hiệu giá thịt sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Diễn biến giá ngô
 Diễn biến giá ngô giao tương lai trên sàn CBOT từ tháng 12/2020 đến nay (Ảnh: CME Group)

Chốt phiên giao dịch ngày 29/4 (theo giờ Hoa Kỳ), giá ngô giao tương lai trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đạt 7,01 USD/giạ (25,4 kg) - mức cao nhất kể từ tháng 7/2013. Giá đậu tương giao tương lai trên sàn CBOT cũng đạt 15,31 USD/giạ (27,2 kg) – mức cao nhất kể từ tháng 6/2014. Nếu tính từ đầu năm đến nay thì giá ngô đã tăng 47,79% còn giá đậu tương đã tăng 16,4%.

Việc giá các loại ngũ cốc liên tục tăng cao đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi toàn cầu và gây đảo lộn dòng chảy thương mại toàn cầu. Perdue Farms, một trong những hãng chăn nuôi gà lớn nhất Hoa Kỳ, buộc phải nhập khẩu 31.000 tấn đậu tương từ Brazil.

Trong khi đó, hãng chăn nuôi gia cầm hàng đầu Brazil BRF SA phải thu mua ngô từ Argentina khi giá tại Brazil, nước sản xuất ngô lớn thứ hai thế giới, tăng vọt. Một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khác ở Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tăng cường tích trữ lúa mì làm nguyên liệu sản xuất.

Đây là động thái hiếm hoi đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi do lúa mì vốn thường được sử dụng để làm thực phẩm cho con người hơn là trong chăn nuôi và giá lúa mì thường cao hơn giá ngô. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi chế độ ăn sẽ gây ra một số rủi ro đối với gia súc, gia cầm và làm giảm hiệu quả chăn nuôi.

Chuyên gia phân tích Stephen Nicholson thuộc ngân hàng Rabobank (Hà Lan) nhận định “Việc 1 doanh nghiệp Hoa Kỳ (Perdue Farms) phải nhập khẩu đậu tương đã gây sốc tâm lý cho thị trường”. Hoa Kỳ vốn là quốc gia sản xuất đậu tương lớn thứ hai thế giới nhưng hiện nay nguồn cung nội địa đã không theo kịp nhu cầu.

Những tin tức trên cho thấy thị trường toàn cầu đang rơi vào trạng thái thiếu hụt nghiêm trọng ngô và đậu tương. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng hạn hán tại Brazil, tiến độ gieo trồng vụ mua mới tại Hoa Kỳ diễn ra chậm.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc tăng vọt khi nước này bắt đầu tái đàn heo sau dịch tả heo Châu Phi hồi năm 2019. Nhu cầu sử dụng ngũ cốc trên toàn cầu cũng đang tăng lên khi các nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Việc giá ngũ cốc quốc tế chạm mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây đang đẩy chi phí chăn nuôi tăng cao và báo hiệu giá thịt gia súc và gia cầm sẽ tăng hơn nữa trong thời gian tới. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng ngũ cốc vẫn đang trên đà tăng, nhiều nhà phân tích nhận định giá ngũ cốc sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới.

Ông Brian Williams, phó chủ tịch của tập đoàn tài chính Macquarie Group (Australia), nhận định “Biên lợi nhuận của ngành thịt lợn và thịt gà hiện vẫn ở mức tốt do đó việc giá ngũ cốc tăng cao vẫn chưa gây ra tác động quá lớn. Tuy nhiên, tại một số nơi của Hoa Kỳ, giá ngô đã tăng tới mức nhiều công ty chuyển sang dùng lúa mì”.

Trong khi đó, ông Paulo Sousa, Giám đốc điều hành hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi Cargill chi nhánh Brazil, cho biết giá ngũ cốc tăng cao bắt đầu ăn mòn vào lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi tại Brazil nhưng mức giá hiện nay vẫn chưa đủ cao để khiến nhu cầu giảm xuống.

Ở thời điểm hiện tại, nguồn cung ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi vẫn đang thiếu hụt nhưng nguồn cung lúa mì lại được dự báo sẽ tăng mạnh. Nếu giá ngô tiếp tục tăng trên mức 7 USD/giạ trong thời gian dài thì lúa mì sẽ trở nên phổ biến hơn đối với các doanh nghiệp chăn nuôi; đồng thời, giá lúa mì được dự báo cũng sẽ tăng mạnh.

Quang Đặng