giá ngô
 Diễn biến giá ngô giao tháng 7/2022 trên sàn CBOT trong vòng 3 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: barchart.com)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá ngô giao tháng 7/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) tăng 1,6% lên 7,77 USD/giạ (25,4 kg/giạ). Giá đậu tương giao tháng 7/2022 tăng nhẹ 0,33% lên 17,32 USD/giạ (27,2 kg/giạ) và giá lúa mì giao tháng 7/2022 và giá lúa mì giao tháng 7/2022 tăng 1,25% ;ên 11,57 USD/giạ (25,4 kg/giạ).

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết giá các loại nông sản trên sàn CBOT đang được nâng đỡ bởi rủi ro thiếu hụt nguồn cung. Trong đó, Ấn Độ vừa qua đã tạm ngưng xuất khẩu lúa mì nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa.

Mặt khác, nguồn cung lúa mì từ Nga được nhận định khó đáp ứng hết phần nhu cầu tăng thêm trên thị trường toàn cầu hiện nay. Bên cạnh đó, giới phân tích đã hạ dự báo triển vọng xuất khẩu đậu tương của Brazil trong tháng 5 cũng như trong cả niên vụ 2021/2022.

Sản lượng ngô của Brazil
 Triển vọng sản lượng ngô của Brazil qua các niên vụ (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đối với mặt hàng ngô, hãng nghiên cứu thị trường Celeres (Brazil) đã hạ dự báo sản lượng ngô vụ Safrinha (vụ thứ hai) niên vụ 2021/2022 của Brazil xuống còn 86 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 92,1 triệu tấn được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, Celeres dự báo tổng sản lượng ngô niên vụ 2021/2022 của Brazil sẽ lên tới 110,7 triệu tấn, tăng mạnh so với mức 86,3 triệu tấn của năm ngoái nhờ sản lượng của vụ thứ nhất được cải thiện tốt.

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường ngũ cốc của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây. 

Hiện thị trường đang quan sát nhu cầu nhập khẩu ngô của Trung Quốc sau khi Trung Quốc và Brazil ký biên bản Yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với ngô xuất khẩu từ Brazil sang Trung Quốc, mở đường cho việc thông quan các lô hàng ngô nhập khẩu từ Brazil vào Trung Quốc thuận lợi hơn. Một số nguồn tin cho biết các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã đặt mua khoảng 250.000 – 400.000 tấn ngô từ Brazil, giao vào tháng 9 và tháng 10 năm nay.

Giới quan sát nhận định Trung Quốc đang nỗ lực đa dạng hoá nguồn cung ngô nhập khẩu và tìm cách bù đắp phần nguồn cung bị thiếu hụt từ Ukraine khi xung đột quân sự Nga – Ukraine khó có thể kế thúc sớm. Các cơ quan chính phủ của Brazil và Trung Quốc đang tiếp tục đàm phán về việc đẩy mạnh xuất khẩu khô đậu tương và dầu đậu nành của Brazil sang Trung Quốc.

Dự báo xuất khẩu ngô của Brazil
 Triển vọng xuất khẩu ngô của Brazil qua các niên vụ (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Cơ quan Cung ứng Quốc gia Brazil (CONAB) dự báo xuất khẩu ngô của Brazil trong niên vụ 2021/2022 sẽ đạt 38 triệu tấn, tăng 82,6% so với niên vụ trước. Trong niên vụ 2020/2021, xuất khẩu ngô của quốc gia này đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hạn hán và đứt gãy chuỗi cung ứng vì đại dịch Covid-19.

Đối với mặt hàng đậu tương, dữ liệu của Trung tâm Thông tin Dầu và Ngũ cốc quốc gia Trung Quốc (CNGOIC) cho thấy khối lượng dự trữ đậu tương tại Trung Quốc đã tăng tới 0,2 triệu tấn trong tuần trước lên 4,98 triệu tấn do lượng nhập khẩu tăng lên. Khối lượng đậu tương được nghiền ép cũng đã tăng lên.

Sản lượng đậu tương Argentina
Sản lượng đậu tương, khô đậu tương và dầu đậu tương của Argentina qua các tháng (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Dữ liệu mới nhất cũng cho thấy khối lượng nghiền ép đậu tương tại Argentina hiện tăng 34% so với cùng kỳ tháng trước do biên lợi nhuận từ hoạt động này tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái khi giá dầu thực vật trên toàn cầu tăng mạnh.

Sàn giao dịch ngũ cốc Bueno Aires (Argentina) cho biết hoạt động thu hoạch đậu tương niên vụ 2021/2022 tại Argentina đang bước vào giai đoạn cuối, tỷ lệ thu hoạch xong tính đến ngày 19/5 đã đạt 77,6%.

Nhập khẩu dầu ăn của Ấn Độ
Lượng dầu ăn được Ấn Độ nhập khẩu qua các niên vụ (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Trên thị trường dầu thực vật, Ấn Độ vừa cho phép nhập khẩu miễn thuế đối với 2 triệu tấn dầu đậu nành thô và dầu hướng dương thô từ nay cho đến tháng 3/2024 nhằm ổn định giá dầu ăn trên thị trường nội địa. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, mặc dù cho biết đã nối lại hoạt động xuất khẩu dầu cọ từ đầu tuần này, Chính phủ Indonesia hiện tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nguồn cung dầu cọ trên thị trường nội địa nhằm hạ nhiệt giá dầu ăn tại nước này. Trước đó, Indonesia đã bất ngờ ngưng xuất khẩu dầu cọ trong hơn 3 tuần kể từ cuối tháng 4, gây ra cú sốc cung trên thị trường quốc tế và đẩy giá các loại dầu ăn thay thế như giá dầu đậu nành tăng vọt. Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới.

Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường hàng hoá tại đây.

Đối với mặt hàng lúa mì, hãng nghiên cứu thị trường nông sản Agricensus (Anh) cho biết tiến độ canh tác ngô và lúa mì niên vụ tại Ukraine hiện đang tương đương so với thời điểm trước khi xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng phát. Nhiều hãng phân tích dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2021/2022 của Ukraine có thể đạt từ 17 – 20,5 triệu tấn trong bối cảnh một số khu vực canh tác lúa mì chính của Ukraine đang xảy ra chiến sự khốc liệt.

Sản lượng lúa mì của Ukraine
 Dự báo sản lượng lúa mì của Ukraine (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã điều chỉnh tăng dự báo sản lượng lúa mì của Anh trong niên vụ 2022/2023 lên mức 14,7 triệu tấn, tăng 5% so với niên vụ 2021/2022 do thời tiết thuận lợi.  

Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.

  • Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
  • Website: https://saigonfutures.com
  • Hotline: 0903.352.961