Giá nhôm thế giới chạm mức cao nhất 4 tháng, lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc

Giá nhôm trên thị trường quốc tế đã vượt mốc 3.100 USD/tấn, chạm mức cao nhất 4 tháng trở lại đây do lo ngại thiếu hụt nguồn cung nhôm từ Trung Quốc.
Sản xuất nhôm
 Việc Trung Quốc phong toả thành phố Bách Sắc của nước này nhằm khống chế dịch Covid-19 khiến thị trường nhôm thế giới đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhôm (Ảnh: Reuters)

Vào lúc 14h00 chiều nay ngày 8/2 (theo giờ Việt Nam), giá nhôm giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng thêm 1,5% lên 3.179 USD/tấn. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá nhôm đạt 3.205 USD/tấn – mức cao nhất kể từ giữa tháng 10/2021.

Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), giá nhôm giao tháng 3/2022 chốt phiên giao dịch ngày 8/2 đã tăng 2,3% lên mức 22.685 Nhân dân tệ (3.565,93 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá nhôm trên sàn SHFE đạt 22.770 Nhân dân tệ - mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2021.

Giá nhôm trên thị trường thế giới tăng cao khi thị trường lo ngại nguồn cung nhôm tại Trung Quốc sẽ suy giảm sau khi thành phố Bách Sắc (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) quyết định phong toả toàn thành phố do phát hiện nhiều ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Thành phố Bách Sắc là một trong những trung tâm sản xuất alumin quan trọng nhất Trung Quốc. Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu nhôm cũng như các sản phẩm từ nhôm lớn nhất thế giới.

Hãng phân tích thị trường Antaike (Trung Quốc) cũng cho biết nguồn cung alumin để sản xuất nhôm trên thị trường nội địa Trung Quốc có thể suy giảm khi thành phố Bách Sắc bị phong toả.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích hiện cho rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung alumin tại Trung Quốc sẽ không kéo dài lâu do các doanh nghiệp sản xuất alumin đang hợp tác với chính quyền địa phương để có kế hoạch bảo đảm duy trì sản xuất và vận chuyển alumin. Hiện Trung Quốc vẫn đang áp dụng chiến lược “Không ca nhiễm Covid” (Zero Covid) với nhiều chính sách hạn chế di chuyển nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Giá nhôm quốc tế còn được hỗ trợ bởi lo ngại căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang có thể khiến nguồn cung nhôm từ Nga suy giảm. Giới phân tích nhận định ngay cả khi nguy cơ đứt gãy nguồn cung từ Nga giảm xuống thì giá nhôm trên thế giới sẽ khó có thể giảm mạnh trong trung hạn, trừ khi nhu cầu sử dụng nhôm suy yếu.

Hiện mức chênh lệch giữa giá nhôm theo hợp đồng giao ngay với giá nhôm theo hợp đồng giao sau 3 tháng đã tăng vọt lên mức 40 USD/tấn – mức cao nhất kể từ hồi tháng 7/2018. Điều này cho thấy thị trường đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhôm trong ngắn hạn.

Duy Quang