Giá nhôm thế giới tiệm cận mức cao nhất kể từ năm 2008

Giá kim loại nhôm trên thị trường thế giới đã tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 8/2, tiệm cận mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc và một số nơi khác trên thế giới.
Sản xuất nhôm
Mức dự trữ kim loại nhôm tại nhiều sàn giao dịch kim loại lớn trên thế giới đang ở mức thấp kỷ lục (Ảnh: Light Metal Age Magazine)

Chốt phiên giao dịch ngày 8/2 (theo giờ địa phương), giá nhôm giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng 1,9% lên mức 3.192,50 USD/tấn, tiệm cận mức cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây vốn được xác lập vào hồi tháng 10/2021. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá nhôm thế giới đã tăng tới 13%.

Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), giá nhôm giao tháng 3/2022 chốt phiên giao dịch ngày 8/2 đã tăng 2,3% lên mức 22.685 Nhân dân tệ (3.565,93 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá nhôm trên sàn SHFE đạt 22.770 Nhân dân tệ - mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2021.

Giá nhôm bật tăng mạnh trở lại khi thị trường lo ngại việc thành phố Bách Sắc (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) bị phong toả do bùng phát nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng sẽ khiến nguồn cung alumin – nguyên liệu để sản xuất nhôm trên thị trường nội địa Trung Quốc suy giảm. Việc phong toả thành phố Bách Sắc, một trong những trung tâm sản xuất alumin quan trọng nhất Trung Quốc, sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nhôm trên thị trường quốc tế trở nên trầm trọng hơn. Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% tổng sản lượng nhôm toàn cầu.

Dữ liệu cho thấy lượng nhôm tồn trữ tại các nhà kho thuộc quyền quản lý của sàn LME  đã giảm mạnh từ mức 2 triệu tấn trong tháng 3/2021 xuống hiện còn 767.700 tấn – mức thấp nhất kể từ hồi năm 2007.

Lượng nhôm tồn trữ tại các nhà kho thuộc sàn SHFE cũng giảm khoảng 20% kể từ đầu năm 2022 đến nay, xuống còn 266.906 tấn. Thông thường, những tháng đầu năm là giai đoạn lượng nhôm tồn trữ sẽ tăng lên.

Lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhôm trên toàn cầu đã đẩy mức chênh lệch giữa giá nhôm theo hợp đồng giao ngay với giá nhôm theo hợp đồng giao sau 3 tháng tăng vọt lên mức 40 USD/tấn – mức cao nhất kể từ hồi tháng 7/2018. Điều này cho thấy thị trường đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhôm trong ngắn hạn.

Trong cả năm 2021, giá kim loại công nghiệp này đã tăng 42% do tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi Trung Quốc siết chặt hoạt động sản xuất nhôm nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng.

Chuyên gia phân tích thị trường Nitesh Shah thuộc quỹ đầu tư WisdomTree (Hoa Kỳ) cho biết các nhà máy luyện kim, đặc biệt là các nhà máy sản xuất nhôm, tại Trung Quốc là một trong những nhóm khách hàng tiêu thụ điện lớn nhất của các nhà máy điện than tại nước này. Để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa Đông 2022 tổ chức tại Bắc Kinh trong tháng 2/2022, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu nhiều nhà máy sản xuất nhôm giảm công suất hoạt động trong nhiều tháng trước đó.

Ông Nitesh Shah dự báo giá nhôm sẽ còn tiếp tục tăng lên trong dài hạn khi nhu cầu sử dụng kim loại này ngày càng tăng cao. Nhôm là một trong những kim loại công nghiệp được sử dụng rộng rãi nhất trong cuộc sống nhờ đặc tính nhẹ và có thể tái sử dụng nhiều lần.

Giá nhôm hiện cũng được hỗ trợ bởi lo ngại căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang có thể khiến nguồn cung nhôm từ Nga suy giảm. Mặt khác, nhà máy nhôm Slovalco thuộc tập đoàn Norsk Hydro ASA (Na Uy) tại Slovakia vừa phải giảm 60% sản lượng do chi phí điện năng và chi phí môi trường tăng cao. Nhà máy nhôm Slovalco là một trong những nhà máy sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. Việc nhà máy này ngưng hoạt động có thể khiến khu vực châu Âu thiếu hụt nghiêm trọng nhôm và phải tăng cường nhập khẩu nhôm từ châu Á.

Duy Quang