Giá quặng sắt
 Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên sàn DCE trong vòng 6 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 10/9 (theo giờ địa phương), giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) tiếp tục giảm 0,3% xuống còn 732,50 Nhân dân tệ (113,66 USD)/tấn. Đây là mức giá chốt phiên giao dịch thấp nhất trong 1 năm trở lại đây. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 9/9, giá quặng sắt trên sàn DCE đã có lúc giảm xuống chỉ còn 717,50 nhân dân tệ/tấn.

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại chứa hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc cũng giảm 0,4% trong phiên giao dịch hôm qua, xuống còn 129,71 USD/tấn.

Giá quặng sắt liên tục biến động mạnh sau khi thiết lập mức giá cao kỷ lục hồi tháng 5 vừa qua. Tính từ đỉnh giá lịch sử trong tháng 5/2021, giá quặng sắt hiện đã giảm khoảng 40% khi nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc ngày càng suy giảm. Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp chặt chẽ để kiểm soát hoạt động sản xuất thép tại nước này nhằm đạt mục tiêu cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính.   

Ông Justin Smirk, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng Westpac (Australia), nhận định “Giá quặng sắt đã có một vài tháng biến động nhưng khi tháng 8 vừa qua kết thúc, chúng tôi nhận thấy rõ ràng đã có sự thay đổi lớn trên thị trường, do đó dự báo giá quặng sắt vào cuối năm nay của chúng tôi được điều chỉnh giảm xuống còn 125 USD/tấn”.

Chính phủ Trung Quốc đã cho biết sẽ kiềm chế sản lượng thép thô của nước này trong năm nay ở mức ngang bằng năm ngoái. Tuy nhiên, các tin tức trên thị trường cho thấy các địa phương tại Trung Quốc có thể áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn để kiểm soát hoạt động sản xuất của các nhà máy thép, kéo theo đó là sự suy giảm về nhu cầu sử dụng quặng sắt.

Giới chức tỉnh Giang Tô, trung tâm sản xuất thép lớn thứ hai Trung Quốc, đã triển khai chiến dịch giám sát tiêu thụ năng lượng đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, bao gồm các nhà máy sản xuất thép. Hãng tư vấn thị trường Mysteel (Trung Quốc), cảnh báo điều này có thể khiến nguồn cung thép suy yếu.

Trước đó, truyền thông địa phương đã cho biết nhiều nhà máy sản xuất thép tại thành phố Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, đã phải ngưng hoạt động 1 tuần trong tháng 8 nhằm giảm ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang có dấu hiệu suy giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng thép của nước này. Chỉ số đo lường hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua đã lần đầu tiên giảm xuống trong vòng 18 tháng trở lại đây khi nước này áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Covid-19 Delta. Ngoài ra, giá các loại hàng hoá, nguyên liệu thô ở mức cao kỷ lục và các đứt gãy chuỗi cung ứng cũng khiến các nhà máy tại Trung Quốc đối mặt nhiều khó khăn.