Giá quặng sắt chạm đỉnh cao nhất 4 tháng trở lại đây

Giá quặng sắt tại thị trường Trung Quốc đã chạm mức cao kỷ lục trong vòng 4 tháng trở lại đây khi thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế, giúp nhu cầu sử dụng thép tăng lên.
giá quặng sắt
 Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 5/2022 trên sàn DCE trong vòng 6 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng chứa 62% sắt tại khu vực phía Bắc Trung Quốc trong sáng ngày 20/1 đã tăng 2,3% lên 134,72 USD/tấn, chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 9/2021. Mức giá này thường được xem là giá tham khảo chuẩn cho các hợp đồng quặng sắt giao ngay tại thị trường Trung Quốc và Châu Á. 

Chốt phiên giao dịch ngày 20/1, giá quặng sắt giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) cũng tăng 1,3% lên 742 Nhân dân tệ (116,97 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá quặng sắt chạm tới mốc 747,50 Nhân dân tệ/tấn.

Đà tăng của giá quặng sắt trong nhưng phiên giao dịch gần đây chủ yếu đến từ kỳ vọng nhu cầu sử dụng sắt thép của Trung Quốc sẽ tăng trở lại sau khi nước này đẩy mạnh việc nới lỏng chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất cơ bản cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Một số nhà phân tích cho biết Trung Quốc có thể tiếp tục đưa ra các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Nền kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực lớn từ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt cũng như suy giảm của lĩnh vực bất động sản.

Ông Vivek Dhar, chuyên gia phân tích thị trường hàng hoá tại ngân hàng Commnwealth Bank of Australia, nhận định “Chúng tôi cho rằng việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản trong tháng thứ hai liên tiếp là động thái cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022. Biên lợi nhuận từ hoạt động sản xuất thép trong giai đoạn từ tháng 11 – 12/2021 đã tăng lên có thể cho thấy nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc đang ở mức tương đối ổn. Sự suy yếu nhu cầu sử dụng thép trong lĩnh vực bất động sản có thể được bù đắp bằng sự gia tăng nhu cầu trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng”.

Tường Vy