Giá quặng sắt hạ nhiệt khi lượng quặng sắt cập cảng Trung Quốc tăng lên

Giá quặng sắt tại Trung Quốc đã hạ nhiệt, giảm xuống còn 214,08 USD/tấn trong ngày 16/6 sau khi dữ liệu cho thấy lượng quặng sắt Australia và Brazil cập cảng nước này tăng lên. Trung Quốc cũng cân nhắc xả bán kho dự trữ chiến lược kim loại công nghiệp nhằm bình ổn giá trên thị trường.

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho biết giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại miền Bắc Trung Quốc (giá CFR tại cảng Thanh Đảo) trong ngày 16/6 đã hạ nhiệt, giảm 3,2% xuống mức 214,08 USD/tấn.

Giá quặng sắt giao tháng 9/2021 - hợp đồng kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất, trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) cũng giảm 1,5% xuống còn 1.198 Nhân dân tệ tương đương 187,26 USD/tấn.

Giá quặng sắt chịu áp lực giảm sau khi dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường MySteel (Trung Quốc) cho thấy lượng quặng sắt từ Australia và Brazil cập cảng Trung Quốc trong tuần trước đạt 26,14 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với một tuần trước đó.

Mặc dù đã hạ nhiệt phần nào so với mức cao kỷ lục thiết lập hồi giữa tháng 5 vừa qua, giá quặng sắt tại Trung Quốc hiện vẫn đang neo cao khi nhu cầu sử dụng của nước này tăng mạnh và lượng tồn trữ quặng sắt tại các cảng lớn rơi xuống mức đáy trong nhiều tháng trở lại đây. Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy tổng sản lượng thép thô của nước này trong tháng 5/2021 đã chạm mức cao kỷ lục 99,45 triệu tấn.

Nhập khẩu quặng sắt
 Lượng quặng sắt tồn trữ tại nhiều cảng lớn của Trung Quốc đã giảm xuống mức đáy trong khi nhu cầu sử dụng vẫn đang tăng mạnh, điều này đã khiến giá quặng sắt tiếp tục neo ở mức cao (Ảnh: China Daily)

Tuy nhiên, hãng môi giới giao dịch thép kỳ hạn SinoSteel Futures (Trung Quốc) nhận định giá quặng sắt khó có thể tăng lên cao hơn nữa khi các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất thép tại thành phố Đường Sơn (Trung Quốc) chưa có dấu hiệu sẽ được nới lỏng trong tương lai gần, thậm chí giới chức thành phố này đang siết chặt hơn các biện pháp chống ô nhiễm. Đường Sơn là thủ phủ sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thị trường kim loại công nghiệp tại Trung Quốc đang chịu áp lực giảm sau khi Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ xả bán ra thị trường các mặt hàng kim loại công nghiệp quan trọng như đồng, nhôm và kẽm trong ngắn hạn. Đây là động thái mới nhất của Chính phủ Trung Quốc trong việc đảm bảo nguồn cung và kiềm chế đà tăng giá kỷ lục của kim loại công nghiệp.

Ông Jia Zheng, nhà giao dịch hàng hoá tại hãng quản lý đầu tư Shanghai Dongwu Jiuying Investment Management Co (Trung Quốc), cho biết “Thị trường chưa từng chứng kiến việc cơ quan dự trữ quốc gia của Trung Quốc xả bán hàng ra thị trường trong nhiều năm trở lại đây. Điều này sẽ gia tăng nguồn cung trong ngắn hạn và tạo áp lực giảm lên thị trường”.

Quang Đặng