Giá quặng sắt phục hồi nhẹ, dứt mạch giảm giá kéo dài 5 phiên liên tiếp

Chốt phiên giao dịch ngày 26/7, giá quặng sắt tại Trung Quốc đã phục hồi nhẹ trở lại quanh mức 202 USD/tấn, chấm dứt mạch giảm giá kéo dài 5 phiên liên tiếp. Thị trường hiện tập trung theo dõi các động thái của Chính phủ Trung Quốc về kiểm soát sản lượng thép thô trong nửa cuối năm nay.
Giá quặng sắt
Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên sàn DCE trong vòng 6 tháng gần đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 26/7, giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) đã tăng 0,9% lên mức 1.136,50 Nhân dân tệ (tương đương 175,22 USD)/tấn; qua đó, chấm dứt mạch giảm giá kéo dài 5 phiên liên tiếp.

Trên thị trường giao ngay, dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt được nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc đạt 202,74 USD/tấn, tăng 0,7% so với mức giá cuối tuần trước. Giá quặng sắt phục hồi trở lại chủ yếu do giá thép tại Trung Quốc neo ở mức cao, giúp biên lợi nhuận từ hoạt động sản xuất thép tăng lên.

Tính chung cả tuần trước, giá quặng sắt trên thị trường tương lai của sàn DCE đã lao dốc gần 10% - xác lập tuần giảm giá mạnh nhất đối với mặt hàng này kể từ tháng 2/2020. Nếu so với mức giá cao nhất lịch sử được xác lập hồi giữa tháng 5 vừa qua thì giá quặng sắt hiện đã giảm khoảng 17%. Trên thị trường giao ngay, giá quặng sắt loại hàm lượng 62% cũng đã giảm gần 9% trong tuần trước.

Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc nói riêng và thị trường Châu Á nói chung đang chịu áp lực giảm mạnh sau khi Chính phủ Trung Quốc cho thấy sẽ đẩy mạnh kiểm soát hoạt động sản xuất thép của nước này trong nửa cuối năm nay nhằm giữ tổng sản lượng thép thô năm 2021 tương đương với mức của năm 2020, để đạt mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính. Điều này sẽ khiến nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc suy yếu trong thời gian tới.

Lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu hàng năm chiếm tới 70% tổng lượng quặng sắt được vận chuyển qua đường biển trên toàn cầu. Hiện thị trường tập trung quan sát đánh giá mức độ thực thi các biện pháp kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc và chờ đợi các thông tin rõ ràng hơn về hoạt động sản xuất thép của nước này trong thời gian tới.  

Một số hãng sản xuất thép tại các tỉnh Giang Tô, Phúc Kiến và Vân Nam (Trung Quốc) đã được chính quyền địa phương yêu cầu cắt giảm sản lượng. Các thông tin địa phương cũng cho biết chính quyền thành phố Đường Sơn, khu vực sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, vừa cảnh báo sẽ áp dụng chế tài mạnh nếu như các hãng sản xuất thép tại đây vi phạm quy định cắt giảm sản lượng.

Sản lượng thép thô
Diễn biến sản lượng thép thô hàng tháng của Trung Quốc trong các năm gần đây (Đồ hoạ: Reuters)

Dữ liệu cũng cho thấy hoạt động sản xuất thép tại Trung Quốc đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Sản lượng thép thô của nước này trong tháng 6/2021 đã giảm 5,6% so với mức cao kỷ lục 99,45 triệu tấn của tháng 5/2021.

Tổng sản lượng thép thô trong 6 tháng đầu năm nay của Trung Quốc đạt 563,33 triệu tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, Trung Quốc cần duy trì sản lượng thép thô trong 6 tháng cuối năm nay ở khoảng 502 triệu tấn, thấp hơn khoảng 11% so với mức sản lượng 6 tháng đầu năm thì mới đạt mục tiêu giữ tổng sản lượng thép thô năm nay ngang bằng năm 2020.

Bên cạnh đó, giá quặng sắt còn chịu áp lực giảm khi nguồn cung quặng đang dần phục hồi trở lại ngưỡng thông thường khi Australia, Brazil và Nam Phi đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Tại thị trường Trung Quốc, hãng phân tích thị trường hàng hoá Kpler (Singapore) nhận định lượng quặng sặt cập cảng trong tháng 7/2021 sẽ tiếp tục ở mức cao và có thể đạt tới 107,4 triệu tấn – mức cao nhất kể từ tháng 10/2020. Thậm chí, hãng dữ liệu Refinitiv (Hoa Kỳ) nhận định con số này có thể lên đến 112,5 triệu tấn. Điều này sẽ gia tăng đáng kể lượng quặng sắt tồn trữ tại Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu sử dụng đang suy yếu.

Quang Đặng