Giá quặng sắt tăng tuần thứ 3 liên tiếp

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá quặng sắt đã ghi nhận tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp khi thị trường kỳ vọng việc Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng thép cho hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng.
Giá quặng sắt
 Diễn biến giá quặng sắt loại hàm lượng chứa 62% sắt (giá CFR) tại khu vực phía Bắc Trung Quốc (Đồ hoạ: Fastmarkets MB)

Dữ liệu của hãng nghiên cứu Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng chứa 62% sắt tại khu vực phía Bắc Trung Quốc trong phiên giao dịch cuối tuần trước đã tăng 2,3% lên 137,36 USD/tấn. Mức giá này thường được xem là giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch quặng sắt giao ngay tại thị trường Trung Quốc và châu Á.

Giá quặng sắt giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) cũng tăng 2,2% lên 756 Nhân dân tệ (119,17 USD)/tấn – chạm mức cao nhất kể từ ngày 13/10/2021. Tính chung cả tuần trước, giá quặng sắt trên sàn DCE đã tăng tới 4,6%, xác lập tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp.

Thị trường hiện đang phản ứng tích cực sau khi Trung Quốc phát tín hiệu cho thấy sẽ đẩy mạnh việc nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Giới đầu tư kỳ vọng việc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ phần nào bù đắp sự suy giảm nhu cầu sử dụng thép trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích Clyde Russell của hãng tin Reuters nhận định “Đà phục hồi hiện tại của thị trường hàng hoá nói chung dựa trên kỳ vọng Trung Quốc có thể một lần nữa nới lỏng các chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó định hình giá các loại hàng hoá nguyên liệu thô trong năm nay. Quặng sắt, than cốc dùng để luyện thép và các mặt hàng kim loại có thể là những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất”.

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Mysteel (Trung Quốc) cho thấy mức độ hoạt động của các lò cao thuộc 247 doanh nghiệp sản xuất thép tại Trung Quốc đang tiếp tục tăng lên, đạt 81,08% trong tuần trước, cao hơn mức 79,89% được ghi nhận cách đó một tuần. Trung Quốc hiện là quốc gia có sản lượng thép thô và mức tiêu thụ thép lớn nhất thế giới.

Hãng môi giới giao dịch hàng hoá phái sinh SinoSteel Futures (Trung Quốc) cho biết hiện thị trường kỳ vọng cao rằng hoạt động sản xuất thép tại Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong trung hạn tuy nhiên trong ngắn hạn nhu cầu đối với các nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất thép có thể vẫn ở mức thấp do Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Thế vận hội mùa Đông trong tháng 2/2022 và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt hiện tại.

Tường Vy