Giá thép 7/4 trên sàn Thượng Hải tăng nhẹ, giá quặng sắt chịu áp lực giảm khi sản lượng thép thấp hơn kỳ vọng

Chốt phiên hôm nay 7/4, giá thép xây dựng và giá thép HRC trên sàn giao dịch Thượng Hải đều tăng nhẹ; trong khi đó, giá quặng sắt chịu áp lực giảm do sản lượng thép của Trung Quốc thấp hơn kỳ vọng.

Chốt phiên giao dịch ngày 7/4, giá thép thanh xây dựng giao tháng 5/2023 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đạt 4.027 Nhân dân tệ (585,7 USD)/tấn, tăng nhẹ gần 1% so với giá mở cửa. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) giao tháng 5/2023 đạt 4.152 Nhân dân tệ (603 USD)/tấn, tăng 0,5% so với giá mở cửa.

Dữ liệu cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% giao đến khu vực phía Bắc Trung Quốc trong ngày 6/4 đạt 119,24 USD/tấn, chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1/2023 đến nay. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng thép tại Trung Quốc yếu hơn kỳ vọng của thị trường.

Hãng tư vấn thị trường thép Mysteel cho biết sản lượng thép tại Trung Quốc trong tuần đầu tiên của tháng 4/2023 chỉ đạt 4,23 triệu tấn, giảm hơn 1% so với tuần cuối cùng của tháng 3/2023. Đồng thời, nhu cầu sử dụng thép cũng giảm 6,7% trong tuần này, xuống còn 4,36 triệu tấn.

Giá thép trên sàn Thượng Hải hôm nay tăng nhẹ
 Giá thép thanh xây dựng và giá thép HRC trên sàn SHFE đã tăng nhẹ trong bối cảnh giá quặng sắt chịu áp lực giảm (Ảnh: Reuters)

Chốt phiên giao dịch ban ngày 6/4, giá quặng sắt giao tháng 9/2023 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) giảm 1% xuống mức 793 Nhân dân tệ (115,35 USD)/tấn.

Thị trường hiện đang quan sát tác động của việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý biến động giá quặng sắt. Uỷ ban Đổi mới và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) vừa cho biết sẽ tăng cường giám sát các sàn giao dịch quặng sắt tại nước này và yêu cầu các công ty có liên quan không phóng đại các biến động tăng giá trên thị trường.

Trước đó, vào cuối năm 2022, Trung Quốc đã cho phép tập đoàn nhà nước China Mineral Resources Group (CMRG) trở thành đại diện của gần 20 hãng sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc để tiến hành đàm phán giá và thu mua quặng sắt từ các đối tác nước ngoài.

Động thái này sẽ đem lại quyền đàm phán chưa từng có đối với Trung Quốc trong nhập khẩu quặng sắt, đặc biệt là đối với các loại quặng sắt có hàm lượng sắt cao. Đây cũng là những bước tiến của Trung Quốc trong việc tìm cách kiểm soát biến động giá các loại hàng hoá, nguyên liệu thô quan trọng đối với nền kinh tế mà nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ bên ngoài.

Theo đánh giá của giới phân tích  việc NDRC tăng cường giám sát giao dịch quặng sắt sẽ chưa có tác động quá lớn đến tình hình giao dịch hiện nay và giá quặng sắt sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ diễn biến sản lượng và nhu cầu tiêu thụ thép. Nếu như nhu cầu sử dụng quặng sắt không tăng lên như kỳ vọng thì giá mặt hàng này sẽ chịu áp lực giảm trở lại.

Vừa qua, hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions (Hoa Kỳ) vừa qua đã nâng dự báo giá quặng sắt trong năm nay từ mức 110 USD/tấn lên 125 USD/tấn. Fitch Solutions nhận định tâm lý tích cực trên thị trường, triển vọng nhu cầu được cải thiện, cùng với sự phục hồi mạnh của doanh số bán nhà và hoạt động sản xuất chế tạo của Trung Quốc sẽ hỗ trợ giá quặng sắt tăng lên trong ngắn hạn.

Quỳnh Trang