Giá thép tăng phi mã, một số quốc gia siết chặt kiểm soát thị trường thép

Giá thép tại nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga… đã liên tục tăng cao trong giai đoạn vừa qua. Một số quốc gia như Trung Quốc và Nga đã có động thái tuyên bố sẽ siết chặt kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn đà tăng phi mã của giá thép và các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thép.

Siết chặt kiểm soát thị trường 

Tình trạng giá thép thế giới tăng phi mã khắp nơi trên toàn cầu, trong bối cảnh giá quặng sắt và nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thép lập kỷ lục giá đang buộc nhiều quốc gia đẩy mạnh kiểm soát thị trường thép.  

Nhằm tăng cường nguồn cung thép khi nhu cầu trên thị trường nội địa bùng nổ, Chính phủ Trung Quốc đã huỷ bỏ việc hoàn thuế VAT 13% đối với nhiều mặt hàng thép xuất khẩu kể từ đầu tháng 5 vừa qua nhằm điều tiết dòng chảy thương mại thép. Đồng thời, Trung Quốc cũng hạ thuế nhập khẩu về 0% đối với sắt thép phế liệu, thép thô, gang thỏi nhằm tăng nguồn cung đầu vào cho hoạt động sản xuất thép nội địa.

Bên cạnh đó, Ủy ban cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) – cơ quan điều hành kinh tế cấp cao nhất của Trung Quốc- đã yêu cầu các nhà sản xuất thép nước này phải “duy trì trật tự thị trường bình thường” và cho biết sẽ đẩy mạnh việc kiểm soát, phân tích dữ liệu hàng hoá nhằm quản lý giá tốt hơn. NDRC cũng cảnh báo sẽ “trừng phạt nghiêm khắc” những người đầu cơ, thao túng hàng hoá.

giá thép
 Giá thép xây dựng kỳ hạn trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), sàn giao dịch thép lớn nhất Trung Quốc, đã giảm hơn 18% trong nửa cuối tháng 5/2021 sau khi Chính phủ Trung Quốc có động thái siết chặt kiểm soát thị trường (Ảnh: Tradingeconomics.com)

Các sàn giao dịch hàng hoá lớn nhất tại Trung Quốc cũng nâng mức giới hạn giao dịch, siết chặt các yêu cầu ký quỹ, khôi phục lại việc tính phí đối với các hợp đồng giao dịch thép, quặng sắt kỳ hạn nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ và đồng loạt đưa tin cảnh báo giới đầu tư cần cân nhắc rủi ro khi giá các mặt hàng này liên tục tăng nóng.

Một số nhà phân tích nhận định các yếu tố cung – cầu mới là động lực quyết định chính trên thị trường. Tuy nhiên, giới quan sát đều đồng ý các động thái quyết liệt từ Chính phủ Trung Quốc đã phần nào ngăn chặn làn sóng đầu cơ và khôi phục trật tự thị trường, góp phần hạ nhiệt 6% giá quặng sắt và 18% giá thép trên thị trường Trung Quốc chỉ trong nửa cuối tháng 5 vừa qua.

Tại Nga, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Denis Manturo đã làm việc với các tập đoàn sản xuất thép lớn nhất nước này nhằm đảm bảo nguồn cung thép cho các doanh nghiệp quốc phòng và các dự án xây dựng có hợp đồng dài hạn với mức giá thép cố định hoặc có chiết khấu.

Trong tháng 5 vừa qua, Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga đã có dự thảo áp đặt mức thuế suất từ 20% - 30% đối với một số sản phẩm thép xuất khẩu. Cơ quan này cũng đưa ra đề xuất cơ quan dự trữ nhà nước sẽ thu mua thép nhằm đảm bảo nguồn cung thép cho các dự án nhà nước.

Trước đó, Nga đã áp đặt mức thuế 85 USD/tấn lên thép phế liệu xuất khẩu nhằm hạn chế xuất khẩu. Cơ quan giám sát thị trường và chống độc quyền của Nga (FAS) cũng cho biết sẽ tăng cường thanh tra các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa nhằm kiểm soát giá trên thị trường.

Hiệp hội các nhà sản xuất ống thép Ấn Độ (IPMA) hiện đề xuất Chính phủ Ấn Độ tạm thời cấm xuất khẩu các sản phẩm thép cũng như tăng cường kiểm soát giá thị trường thép nội địa. Tương tự, Hiệp hội tổng thầu xây dựng Malaysia (MBAM) cũng đã kiến nghị Chính phủ Malaysia giám sát chặt chẽ giá thép nhằm tránh tình trạng độc quyền nhóm và thao túng giá. MBAM cũng đề xuất cho phép thêm các điều khoản về biến động giá trong các hợp đồng xây dựng nhằm phản ánh sự thay đổi giá nguyên vật liệu đầu vào.  

Giá thép tăng kỷ lục tại nhiều quốc gia

Dữ liệu cho thấy giá thép tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã đạt mức cao kỷ lục chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây khi nhu cầu sử dụng thép phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 nhưng nguồn cung thiếu hụt.  

Cụ thể, chỉ số giá thép cuộn cán nóng (HRC) tiêu chuẩn tại Hoa Kỳ hiện đạt trên 1.600 USD/tấn ngắn (short ton, tương đương 907 kg), gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và gấp gần 3 lần so với mức giá trung bình 20 năm trở lại đây.

Chỉ số giá thép HRC giao hàng tại xưởng khu vực Bắc Âu đạt xấp xỉ 970 EUR (tương đương 1.168 USD)/tấn, tăng 67% so với mức đáy hồi tháng 6/2020. Chỉ trong vòng 3 tháng gần đây, giá thép cuộn cán nóng tại Canada, Đức và Brazil cũng đã tăng gấp 2 lần.

Tại Hàn Quốc, các hãng thép lớn đã tăng giá thép bán cho các hãng sản xuất ô tô lần đầu tiên trong 4 năm do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Hãng thép lớn nhất Hàn Quốc Posco nhấn mạnh rằng giá quặng sắt – nguyên liệu chính để sản xuất thép – đã tăng gần gấp đôi lên 190 USD/tấn vào cuối tháng 5, so với mức 97 USD/tấn cách đây 1 năm.

Hãng Tokyo Steel Manufacturing Co Ltd, một trong những hãng sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản đã điều chỉnh tăng thêm từ 9,5% đến 17,6% giá các sản phẩm thép bán ra trong tháng 6/2021; trong đó, giá thép cuộn tẩy rỉ phủ dầu đạt 1.097 USD/tấn và giá cọc ván thép hình chữ U lên mức 1.051 USD/tấn. Việc nâng giá lần này nhằm phản ánh việc giá thép quốc tế tăng cao và nhu cầu nội địa đang tăng dần lên, theo Tokyo Steel Manufacturing Co Ltd.

Nhu cầu sử dụng thép tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu, hiện đang phục hồi mạnh hơn dự báo của giới quan sát khi các quốc gia này tung ra các gói kích thích kinh tế ở quy mô chưa từng có với nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn để chống lại các tác động kinh tế của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, việc nhiều nhà máy thép trên toàn cầu cắt giảm sản lượng và một số dự án nâng sản lượng thép bị huỷ bỏ từ trước do lo ngại các tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 đã khiến nguồn cung hụt hơi trước việc nhu cầu sử dụng thép thực tế phục hồi tốt. Kết hợp với điều này là việc nguồn cung thép trên thị trường quốc tế xuống thấp và chi phí nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là giá quặng sắt, tăng vọt đã đẩy giá thép tại nhiều quốc gia tăng phi mã.

Chỉ số giá quặng sắt
Diễn biến chỉ số giá quặng sắt giao ngay Platts Iron Ore Index (IODEX) từ năm 2008 đến nay (Ảnh: S&P Global Platts)

Tính từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt trên thị trường quốc tế đã liên tục lập đỉnh kỷ lục. Chỉ số giá quặng sắt giao ngay Platts Iron Ore Index (IODEX) đối với quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt đã tăng hơn 27% kể từ đầu năm đến nay, đạt trên 200 USD/tấn – mức cao nhất lịch sử kể từ khi chỉ số này được thiết lập hồi năm 2008. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thu mua quặng sắt của Trung Quốc tăng mạnh.

Nguồn cung quặng sắt trên toàn cầu chủ yếu phụ thuộc vào Australia và Brazil. Tuy nhiên, hoạt động cung ứng quặng sắt của hai quốc gia này trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là trong Quý 1/2021, không theo kịp nhu cầu bùng nổ trên toàn cầu. Điều kiện thời tiết bất lợi, thiếu hụt lao động do đại dịch Covid-19, sự cố mỏ và bảo dưỡng tại các cảng xuất hàng đã khiến hoạt động xuất khẩu quặng sắt của Brazil và Australia gặp nhiều khó khăn.

Sản lượng khai thác quặng sắt của các tập đoàn Rio Tinto và BHP tại Australia trong Quý 1/2021 đã giảm lần lượt 11% và 5% so với Quý 4/2020. Tại Brazil, sản lượng khai thác quặng sắt của tập đoàn Vale trong Quý 1/2021 đã giảm tới 20% so với Quý 4/2020. Tập đoàn Rio Tinto, BHP và Vale là 3 tập đoàn khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới. Dự kiến nguồn cung quặng sắt trên toàn cầu sẽ tăng lên trong những tháng tới đây khi hoạt động khai thác diễn ra thuận lợi hơn tại Brazil và Australia.

Trung Quốc: Nguồn cơn của đà tăng giá thép quốc tế

Nhập khẩu thép
 Nhập khẩu thép của Trung Quốc trong năm 2020 đã tăng mạnh 64,4% so với năm 2019; đồng thời, xuất khẩu thép giảm 16,5% trong bối cảnh nhu cầu sử dụng thép tại nước này bùng nổ (Ảnh: The Wall Street Journal)

Trung Quốc được xem là nguồn cơn của việc giá thép tăng phi mã trên thị trường quốc tế. Ngành thép thế giới bắt đầu chứng kiến xu hướng tăng mạnh của giá quặng sắt, nguyên vật liệu chính trong hoạt động sản xuất thép, kể từ hồi tháng 6/2020, thời điểm Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sớm tuyên bố kiểm soát được đại dịch. Đồng thời, quốc gia này bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động khôi phục nền kinh tế như nới lỏng các chính sách tiền tệ và tung ra các gói kích thích kinh tế.

Khoảng 50% số tiền trong các gói kích thích kinh tế có tổng trị giá 153,8 tỷ USD của Trung Quốc là được sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này đã khiến nhu cầu sử dụng thép của Trung Quốc bật tăng mạnh. Kéo theo đó là lượng quặng sắt được nước này nhập khẩu bắt đầu có xu hướng tăng cao kể từ giữa mùa hè năm 2020.

Với sản lượng thép thường chiếm đến 55% tổng sản lượng thép thế giới và lượng quặng sắt nhập khẩu hàng năm chiếm đến 70% tổng lượng quặng sắt được vận chuyển qua đường biển trên toàn cầu, Trung Quốc đóng vai trò chi phối trên thị trường thép thế giới và bất kỳ động thái nào của ngành thép Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thị trường thép toàn cầu.

Tính chung cả năm 2020, tổng lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu đạt mức cao nhất lịch sử 1,17 tỷ tấn, cao hơn nhiều so với mức 1,07 tỷ tấn hồi năm 2019. Đồng thời, giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt nhập khẩu (giá CFR) tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc) trong năm 2020 cũng tăng thêm 71,05%, đạt xấp xỉ 156 USD/tấn.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng sự bùng nổ nhu cầu sử dụng thép nội địa, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu thép từ các nước khác. Lượng sản phẩm thép (không bao gồm các sản phẩm thép bán thành phẩm) được nước này nhập khẩu trong năm 2020 tăng tới 64,4% so với năm 2019.

Về phía cung, mặc dù nhu cầu sử dụng thép trên thị trường nội địa tăng cao nhưng Chính phủ Trung Quốc lại bắt đầu siết chặt hơn các quy định về chống ô nhiễm môi trường, bao gồm việc buộc các nhà sản xuất thép sử dụng quặng sắt chất lượng thấp hoặc công nghệ gây ô nhiễm nhiều phải cắt giảm sản lượng.

Bùng nổ nhu cầu kết hợp với suy giảm nguồn cung đã đẩy giá thép nội địa tại Trung Quốc tăng mạnh. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, các hãng sản xuất thép Trung Quốc đã giảm đáng kể lượng thép xuất khẩu. Tổng lượng sản phẩm thép xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2020 đã giảm 16,5%.

Trung Quốc hiện là quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng thép được xuất khẩu trên toàn cầu. Con số này gấp đôi lượng thép xuất khẩu của Nhật Bản – quốc gia sản xuất thép lớn thứ hai thế giới.

Sự suy giảm nguồn cung thép của Trung Quốc ra thị trường quốc tế cùng với việc nước này đẩy mạnh điều tiết thương mại thép đã đẩy giá thép trên thị trường quốc tế lên cao hơn. Đồng thời, dòng chảy nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất thép tập trung đổ về Trung Quốc khi nước này giảm thuế nhập khẩu và giá nhập khẩu hấp dẫn, gây ra thiếu hụt nguyên liệu tại các khu vực khác trên thế giới và đẩy chi phí sản xuất thép tại những khu vực khác tăng lên.

Quang Đặng