Giá trị đạo đức nghề nghiệp và ý thức tuân thủ pháp luật trong hệ thống ngân hàng: Thực tiễn từ các ngân hàng thương mại cổ phần tại Thành phố Hồ Chí Minh

TS. ĐẶNG CÔNG TRÁNG (Khoa Luật - Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) - TS. HỒ HỮU TUẤN (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) – TRẦN VŨ HOÀNG LONG (Cao học Luật kinh tế, Trường Đại học K

TÓM TẮT:

Đạo đức nghề nghiệp là một nhánh trong hệ thống đạo đức xã hội, là một loại đạo đức đã được thực tiễn hóa. Lương tâm nghề nghiệp là sự tự phán xét, tự ý thức về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp. Nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp và lương tâm nghề nghiệp có quan hệ mật thiết với nhau. Đánh mất ý thức về nghĩa vụ đạo đức là đánh mất ý thức về bản thân mình, làm mất ý nghĩa làm người, cũng như giá trị động lực của lao động. Do vậy, giáo dục đạo đức nghề nghiệp chính là để hình thành nhân cách nghề nghiệp của mỗi chủ thể, hướng con người vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ trong hoạt động nghề nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn chia sẻ ở một góc độ khác, đó là đạo đức nghề nghiệp ảnh hưởng đến tính kỷ luật ở ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, ngân hàng thương mại, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Tính cách giá trị đạo đức luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với nền kinh tế thị trường là điều không ai nghi ngờ. Những hiện tương “trượt dốc đạo đức”, “đánh mất giá trị” do mặt trái của cơ chế thị trường gây nên đã làm cho nhiều người tỏ ra nghi ngờ vai trò của đạo đức. Việc coi nhẹ giáo dục đạo đức chủ yếu biểu hiện ở các mặt sau:

- Trước hết, bỏ qua tầm quan trọng của giáo dục đạo đức và cho rằng chỉ cần kinh tế phát triển thì trình độ đạo đức xã hội tự nhiên sẽ được nâng cao do đó chỉ cần làm tốt công tác kinh tế là đủ.

- Thứ hai, việc giáo dục đạo đức có khuynh hướng tách rời thực tế, thiếu tính hiện thực,tính mục đích, nội dung nghèo nàn và hình thức đơn điệu đã làm cho mọi người càng xem nhẹ đạo đức hơn.

Việc xem nhẹ đạo đức đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong xã hội, nhiều người dựa vào khe hở đó đềcó những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế hiện nay. Trong thời gian gần đây, tính kỷ luật thị trường trong hệ thống ngân hàng thương mại ngày càng có nhiều vấn đề nghiêm trọng. Riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xảy ra không ít vụ việc vi phạm làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, một số ngân hàng để nợ xấu tăng cao dẫn đến khả năng mất vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định hệ thống và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia. Điển hình trong thời gian qua là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất, như: đề nghị cách chức, buộc thôi việc phó tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh, trưởng phòng và nhân viên của một ngân hàng huy động vượt trần lãi suất. Tiếp đó là vụ Huỳnh Thị Huyền Như

(Vietinbank), Nguyễn Đức Kiên (ACB) và mới nhất là Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, nguyên Chủ tịch ngân hàng này đang bị tạm giam để điều tra.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đang được các cơ quan quản lý cố gắng giải thích nhằm tìm ra những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Tất nhiên có những nguyên nhân khách quan từ cơ chế, chính sách, hay quy định pháp luật. Nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ tính cơ hội, sự tham vọng, lợi ích cá nhân, hay lợi ích nhóm. Như vậy, việc kế thừa, đổi mới những hệ thống giá trị, những quy tắc ứng xử nhằm xây dựng một nền đạo đức Việt Nam lành mạnh, giàu tính dân tộc và hiện đại là một việc làm rất cần thiết và nó trở thành khuôn mẫu mà chúng ta không thể xem nhẹ.

2. Đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh ngân hàng

Một trong những nguyên tắc cao nhất trong hoạt động ngân hàng là phải “thượng tôn pháp luật” hay nói ngắn gọn là phải đúng luật. Để thực hiện được nguyên tắc này, đòi hỏi phải có một hệ thống đồng bộ, một ý thức tự giác, một sự nhất trí cao. Từ hội đồng quản trị đến nhân viên thừa hành các cấp phải tôn trọng, tuân thủ luật pháp và các quy chế, quy định của ngành. Bên cạnh đó, mỗi người khi bước chân vào ngân hàng đều phải tuân thủ triệt để nội quy lao động, nội quy của ngành, trong đó có quy định khen thưởng, kỷ luật, trách nhiệm và nghĩa vụ cụ thể. Mỗi nhân viên đều được chăm lo đời sống vật chất, được đề bạt, bổ nhiệm, nhưng cũng sẽ bị khiển trách, cảnh cáo, sa thải nếu vi phạm nghiêm trọng các quy phạm pháp luật, của ngành và của chính ngân hàng. Tuy nhiên, dù có bao nhiêu quy định đi nữa vẫn không thể kiểm soát hết mọi hành vinếu đạo đức nghề nghiệp không được xem là văn hóa doanh nghiệp trong kinh doanh ngân hàng. Hay nói cách khác, đạo đức nghề nghiệp là một bộ phận của văn hóa kinh doanh ngân hàng, là “màu cờ sắc áo” mà mỗi nhân viên phải tự hào gìn giữ, điều này đồng nghĩa với việc thực thi tính kỷ luật thị trường trong ngân hàng được tôn trọng.

Gần đây, báo chí trong và ngoài nước bàn rất nhiều về việc cạnh tranh lành mạnh, đạo đức trong kinh doanh… Thực chất của cạnh tranh này là mục đích tâm lý, là nguồn gốc đạo nghĩa. Phương thức này đã làm cho lí luận đạo đức và hành vi kinh tế của con người được dung hòa, hợp nhất thành một và việc thực hiện luân lý càng có yêu cầu thiết thực. Như vậy, vấn đề đạo đức xã hội hiện nay đang diễn ra một cách phức tạp, đấu tranh lẫn nhau giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái thiện và cái ác, giữa hai lối sống- sống có lí tưởng “lành mạnh”, “trung thực” sống bằng lao động của mình, có ý thức chăm lo đến lợi ích tập thể và đất nước với lối sống thực dụng dối trá ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền…

Đạo đức mới vừa phải đấu tranh với các hệ thống đạo đức khác, vừa phải tự đổi mới để khẳng định mình trong điều kiện mới.Đó là tình huống có vấn đề mà công cuộc đổi mới hoạt động kinh tế lại đặt ra cho đạo đức, đòi hỏi công tác giáo dục phải tăng cường để góp phần tích cực vào quá trình đổi mới. Cốt lõi của vấn đề không phải ở chỗ nên hay không nên diễn ra sự biến đổi đạo đức, mà ở chỗ phải biến đổi như thế nào cho phù hợp, chuyển đổi tới đâu để dần thích ứng với nhu cầu xã hội hiện nay. Từ đó, hình thành một quan hệ đạo đức xã hội kiểu mới mà con người có vai trò duy trì, thúc đẩy sự điều hòa, ổn định trật tự xã hội, đặc biệt là việc điều chỉnh, đổi mới, kế thừa các chuẩn mực giá trị đạo đức, làm cho các thành viên trong xã hội dần thích ứng với tình hình mới.

3. Những quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong ngành Ngân hàng

Từ nhiều năm trước, Ngân hàng Sacombank, một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã ban hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên và xem đây là một trong những nền móng để phát triển ngân hàng. Thực tế cho thấy, ngân hàng này gần như rất ít xảy ra các vụ việc vi phạm tiền tệ tín dụng nghiêm trọng dù hệ thống có hơn 10.000 nhân viên và trên 400 điểm giao dịch trong ngoài nước.

Quy tắc đầu tiên của các ngân hàng bắt buộc nhân viên phải ghi nhớ là tuân thủ quy định pháp luật và chính sách của ngân hàng. Tất cả nhân viên dù mới hay cũ, dù ở vị trí cao hay thấp đều phải hiểu và tuân thủ pháp luật. Bất kỳ một hành vi tác nghiệp nào cũng cần chú ý đến yếu tố rủi ro pháp lý. Ngoài ra trong bối cảnh hội nhập, nhân viên còn bắt buộc phải hiểu và tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn và thông lệ quốc tế liên quan hoạt động ngân hàng, mà cụ thể là những gì liên quan đến chức trách công việc được giao.

Một quy tắc tiếp theo là nhân viên khi làm việc phải đảm bảo năng lực chuyên môn và tinh thần làm việc thận trọng. Nhân viên ngân hàng phải tự rèn luyện kỹ năng chuyên môn lẫn kiến thức pháp luật để làm đúng cho mình và tư vấn đúng cho khách hàng. Trường hợp hạn chế năng lực hoặc kiến thức thì nhân viên phải báo cáo lãnh đạo kịp thời để đưa ra phương thức tư vấn phù hợp bởi rủi ro của khách hàng cũng là rủi ro của ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhân viên tránh lạm dụng chức quyền và tư lợi khi được giao nhiệm vụ vì đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm kỷ luật. Điều này thể hiện khá rõ nét trong các vụ trọng án trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vừa qua, phần lớn xuất phát từ việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn và lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Vì vậy, lãnh đạo cấp cao của ngân hàng như hội đồng quản trị, tổng giám đốc và các vị trí quyết định kinh doanh được đặc biệt lưu ý và yêu cầu chuẩn mực thi hành quy tắc này. Thậm chí, ngân hàng còn khuyến cáo nhân viên lưu ý các trường hợp bị lạm dụng hay bị tác động qua người thân trong một số tình huống nhạy cảm có ảnh hưởng đến kinh doanh.

Ngoài ra, ngân hàng còn yêu cầu nhân viên phải minh bạch thông tin và trách nhiệm báo cáo đầy đủ đểkịp thời điều chỉnh hay ngăn chặn các hành vi có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Ngân hàng cũng không quên yêu cầu thực hiện quy tắc tránh xung đột quyền lợi trong công việc vì nếu nhân viên có những lợi ích bên ngoài rất dễ tạo xung đột lợi ích nội bộ, lâu ngày sẽ phá vỡ tính thống nhất, cũng như tạo ra những rủi ro tiềm ẩn.

Một quy tắc khác không kém phần quan trọng ngân hàng luôn lưu ý nhân viên là quy tắc các thái độ và hành vi khi làm việc. Theo đó, yêu cầu dù phạm vi bên trong hay bên ngoài ngân hàng, mỗi nhân viên phải kiểm soát được ý thức và hành vi cá nhân để không làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và hình ảnh ngân hàng.

Toàn bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp này không phải chỉ để ban hành như khẩu hiệu, mà luôn được nhắc đi, nhắc lại trong mọi tình huống thông qua các thông điệp thường xuyên của lãnh đạo. Từ những nhận thức cơ bản ban đầu về pháp luật lâu dần sẽ trở thành ý thức tự giác của mỗi nhân viên và họ hiểu rằng tuân thủ pháp luật không chỉ bảo vệ một chỗ làm việc tốt cho họ, mà còn bảo vệ cho chính những người thân trong lâu dài.

4. Kết luận

Như vậy, bên cạnh những công cụ mang tính pháp luật nhằm đảm bảo tính kỷ cương, những quy tắc quy định mang tính chất kỹ thuật nghiệp vụ nhằm hạn chế rủi ro, thì quy tắc đạo đức nghề nghiệp, một phần của văn hóa kinh doanh ngân hàng cũng có những tác động tích cực nhất định. Hoạt động ngân hàng phải coi văn hóa không phải là kết quả di truyền sinh học, mà là hệ thống những khuôn mẫu hành vi qua học hỏi và nét đặc trưng của các thành viên trong xã hội. Văn hóa không được định trước bởi di truyền và cũng không xuất phát từ bản năng. Văn hóa hoàn toàn là kết quả của sự sáng tạo xã hội, được lưu truyền và duy trì chỉ thông qua sự rèn luyện và giao tiếp. Như vậy, văn hóa ngân hàng hay nói gọn hơn đạo đức nghề nghiệp của nhân viên ngân hàng phần lớn do chính môi trường ngân hàng tạo ra. Nếu một ngân hàng quan tâm sâu sắc đến giáo dục, đào tạo ý thức pháp luật đầy đủ cho nhân viên thì các hành vi vi phạm pháp luật có thể đã được sàng lọc ngay từ trong suy nghĩ.

Tùy vào thực trạng và nét đặc trưng riêng mà mỗi ngân hàng có thể xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp khác nhau. Không chắc chắn quy tắc đạo đức nghề nghiệp sẽ có tác dụng loại trừ hết mọi tiêu cực trong lĩnh vực tiền tệ, nhưng ít ra cũng góp phần hạn chế những rủi ro tiềm ẩn do thiếu hiểu biết hay thiếu ý thức tuân thủ pháp luật. Một khi pháp luật được tuân thủ thì tính kỷ luật thị trường có khả năng được nâng cao. Như vậy, vấn đề cơ bản là bên cạnh đào tạo nhân viên giỏi nghiệp vụ, ngân hàng cần đào tạo nhân viên giỏi về kiến thức pháp luật và trên hết là ý thức pháp luật, ý thức được hậu quả của những hành vi khi tác nghiệp mỗi ngày, đây mới chính là một trong những nền tảng cơ bản giúp ngân hàng phát triển ổn định và bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Viên chức số 58/2010 QH12.

2. Quyết định số 61/2000/QĐNHNN về qui chế về cán bộ viên chức nhân hàng.

3. Qui chế văn hóa công sở Học viện Ngân hàng - Ban hành theo quyết định của Giám đốc Học viên Ngân hàng năm 2013.

VALUE OF PROFESSION ETHICS AND LAW-ABIDING AWARENESS IN THE BANKING SYSTEM: PRACTICES FROM JOINT STOCK COMMERCIAL BANKS IN HO CHI MINH CITY

PhD. DANG CONG TRANG

Faculty of Law - Industrial University of Ho Chi Minh City

PhD. HO HUU TUAN

Industrial University of Ho Chi Minh City

Post Graduate Student TRAN VU HOANG LONG

University of Economics and Law Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Profession ethics are a branch of the social ethics system, a kind of morality that have been practiced. Profession ethics is self-judgment, self-awareness. Professional morals and professional conscience are closely related. Losing consciousness of moral obligation is to lose sight of oneself, lose meaning as a person, and value the labor motivation. Therefore, ethics education is to create the personality of each subject, the human direction to reach the values of honesty in the profession. With the scope of the article, the arthors want to share another aspects which is professional ethics affecting the discipline of joint-stock commercial banks in Ho Chi Minh City.

Keywords: Professional ethics, discipline, commercial banks, Ho Chi Minh City.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây