Giá ure phục hồi, lãi ròng năm 2024 của Đạm Phú Mỹ (DPM) có thể tăng 169%

Trong bối cảnh Nga và Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân bón, giá ure thế giới dự báo sẽ hồi phục dần trong năm 2024. Qua đó, thúc đẩy kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ (mã cổ phiếu DPM) phục hồi tích cực.

Lãi ròng năm 2024 của Đạm Phú Mỹ có thể tăng 169%

Đạm Phú Mỹ
Hoạt động tiêu thụ phân bón của Đạm Phú Mỹ đã hồi phục rõ rệt trong thời gian gần đây.

Theo đánh giá mới nhất của hãng Chứng khoán Mirae Asset Vietnam (MASV), tổng doanh thu và lãi ròng năm 2023 của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM – sàn HoSE) có thể lần lượt đạt 13.496 tỷ đồng và 833 tỷ 28% và 85% so với mức nền cao kỷ lục của năm 2022. Biên lợi nhuận gộp cả năm nay ước đạt 15,3%.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lãi ròng của Đạm Phú Mỹ lần lượt giảm 30,7% và 90,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ mức 42,3% xuống mức 13% trong cùng kỳ do giá bán phân bón trên thế giới giảm mạnh vì tình trạng dư cung tại nhiều khu vực.

Tuy nhiên, hoạt động tiêu thụ của Đạm Phú Mỹ đã có tín hiệu phục hồi khi tổng sản lượng tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 980.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ đẩy mạnh mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu cả sản phẩm Ure lẫn NPK.

MASV hiện nhận định kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ sẽ phục hồi mạnh trong năm 2024 nhờ giá ure phục hồi. Cụ thể, tổng doanh thu và lãi ròng năm 2024 của doanh nghiệp này có thể lần lượt đạt 16.735 tỷ đồng và 2.243 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 169% so với mức nền thấp của năm 2023.

Dự báo sản lượng kinh doanh trong năm 2024 của Đạm Phú Mỹ sẽ vượt mức 1,4 triệu tấn, tương đương tăng 8,2% so với năm 2023. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp sẽ được cải thiện lên mức 22,5%, theo MASV.

Nga và Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân bón

Hiện nhiều tổ chức tài chính dự báo giá ure sẽ dần được cải thiện trong năm 2024 sau khi đã qua đáy trong năm nay. Đặc biệt, Chính phủ Nga vừa có quyết định kéo dài hạn chế xuất khẩu phân bón thêm 6 tháng, từ tháng 11/2023 đến tháng 5/2024. Trung Quốc cũng đang duy trì các biện pháp hạn chế xuất khẩu ure. Nga và Trung Quốc hiện chiếm tổng cộng 27% tổng giá xuất khẩu phân bón toàn cầu.

Trong khi đó, sản xuất ure tại khu vực EU dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp mặc dù giá khí đã hạ nhiệt, do chi phí sản xuất tại đây vẫn ở mức cao so với việc nhập khẩu ure từ Ai Cập. Tại khu vực Trung Đông, Ai Cập vẫn duy trì việc cắt giảm vô thời hạn 30% nguồn cung khí đốt với tất cả các nhà sản xuất ure tại nước này, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung. Các nhà máy sản xuất ure tại Malaysia, Brunei và Indonesia vẫn đang trong quá trình bảo dưỡng.

Giá cổ phiếu DPM Đạm Phú Mỹ
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Đạm Cà Mau (DCM) đặt mục tiêu năm 2024 thận trọng, kỳ vọng vào thương vụ thâu tóm Nhà máy KVF" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Về phía cầu, tiêu thụ phân bón từ nông dân trên toàn cầu đang dần phục hồi khi giá các loại nông sản ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, giúp tăng khả năng chi trả cho phân bón cũng như kích thích nông dân mở rộng diện tích canh tác.

MASV cũng lưu ý, Việt Nam và Trung Quốc vừa qua đã ký kết nhiều văn bản hợp tác phát triển kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam, giúp nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước được cải thiện. Với vị thế là doanh nghiệp sản xuất ure và NPK hàng đầu Việt Nam hiện nay, Đạm Phú Mỹ sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp đầu tiên.

Hãng Chứng khoán Vietcombank (VCBS) hiện dự báo giá phân bón trong nước sẽ tăng theo nhu cầu khi vụ cao điểm Đông - Xuân đang diễn ra (cuối tháng 10 đến tháng 1). Một số doanh nghiệp phân bón, nhu cầu tiêu thụ vụ Đông - Xuân năm nay ước tăng 9% so với vụ trước và giá bán có thể tăng 20% so với quý liền trước, theo VCBS.

Duy Quang