Giá vàng đi ngang, lạm phát Hoa Kỳ đạt mức cao kỷ lục

Giá vàng trong nước hiện có xu hướng đi ngang quanh mốc 56 triệu đồng/lượng sau 3 phiên giảm liên tiếp. Giá vàng thế giới tiếp tục sụt giảm mạnh khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ tăng lên trong bối cảnh lạm phát Hoa Kỳ đạt mức cao kỷ lục.

Giá vàng trong nước đang có xu hướng đi ngang sau 3 phiên giảm giá liên tiếp. Cụ thể, vào lúc 13h30 chiều ngày 13/5, giá vàng SJC tại khu vực TP.Hồ Chí Minh được Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 55,70 triệu đồng/lượng (mua vào) – 56,05 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 80.000 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với mức giá đầu phiên giao dịch.

Tại khu vực Hà Nội, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng tại mức 55,68 triệu đồng/lượng (mua vào) – 56,02 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm nhẹ 40.000 đồng ở chiều mua vào nhưng giảm tới 100.000 đồng ở chiều bán ra so với giá mức chốt phiên giao dịch cuối chiều qua.

Mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng trên thị trường vàng trong nước hiện ở khoảng 350.000 đồng/lượng.

Giá vàng thế giới
 Diễn biến giá vàng thế giới giao ngay trong các phiên giao dịch ngày 11, 11 và 13/5/2021 (Ảnh: Kitco)

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay hiện được giao dịch quanh mốc 1.819,50 USD/ounce, tăng 4,10 USD/ounce so với mức giá đầu phiên giao dịch. Quy đổi theo tỷ giá USD do ngân hàng Vietcombank niêm yết (1 USD = 23.140 VNĐ), giá vàng thế giới hiện tương đương 50,76 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí), thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 5,26 triệu đồng/lượng.

Chốt phiên giao dịch ngày 12/5 (theo giờ địa phương), giá vàng thế giới giao ngay tiếp tục giảm mạnh 22,5 USD/ounce xuống còn 1.815,40 USD/ounce do lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ tăng lên và đồng USD mạnh lên, làm giảm sự hấp dẫn của vàng. Trong đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ đã tăng lên gần mức 1,67% và chỉ số US Dollar Index, đo lường sự biến động của đồng USD với các đồng tiền chủ chốt khác, cũng tăng 0,6%.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ đã tăng lên sau khi các dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại Hoa Kỳ trong tháng 4/2021 đã tăng 0,8% - mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 2009. Tính chung 12 tháng liên tiếp thì lạm phát của Hoa Kỳ đã đạt 4,2% - mức cao nhất kể từ năm 2008. Nếu loại bỏ biến động giá thực phẩm và năng lượng thì lạm phát cơ bản của Hoa Kỳ trong tháng 4 vừa qua tăng tới 0,9% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/1982.

Trước đó trong phiên giao dịch đầu tuần, việc thị trường gia tăng kỳ vọng về khả năng lạm phát tăng mạnh đã khiến đồng USD chạm đáy 2 tháng và thị trường chứng khoán tại nhiều nơi ở Châu Á lao dốc, qua đó khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư.

Giới phân tích nhận định giá vàng thế giới đang chịu áp lực điều chỉnh khi nhiều nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi vàng đã tăng giá 4 phiên liên tiếp kể từ khi phá ngưỡng cản tâm lý quan trọng 1.800 USD/ounce. Hiện giới đầu tư tập trung quan sát động thái của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) về việc lạm phát tăng cao kỷ lục để đoán định diễn biến của giá vàng.

Một số nhà phân tích nhận định việc lạm phát tăng mạnh có thể gia tăng sức ép, buộc FED phải cân nhắc siết lại các biện pháp kích thích kinh tế sớm hơn. Tuy nhiên, một số quan chức FED đã cho biết việc lạm phát tăng mạnh sẽ chỉ là hiện tượng nhất thời và lạm phát sẽ giảm xuống trong thời gian tới.  

Quang Đặng