Giá vàng thế giới phục hồi trở lại, vàng trong nước dao động mức 56,8 triệu/lượng

Giá vàng thế giới đang bắt đầu phục hồi trở lại trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về đà phục hồi của Hoa Kỳ và các nước ồ ạt bơm tiền vào nền kinh tế. Giá vàng trong nước tiếp tục dao động quanh mức 56,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước
Giá vàng đang có xu hướng tăng trở lại sau đợt điều chỉnh giảm (Ảnh: Business Insider)

Vào lúc 8h30 sáng nay (ngày 4/9), giá vàng SJC trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 55,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,65 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100 nghìn đồng ở chiều mua vào nhưng giảm 170 nghìn đồng chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.

Trong khi đó, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,82 triệu đồng/lượng (bán ra), không đổi ở cả 2 chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch hôm qua.

Giá vàng thế giới trên thị trường giao ngay đạt mức 1.937 USD/ounce vào lúc 8h30 (theo giờ Việt Nam). Giá vàng giao tháng 12 năm 2020 trên sàn Comex (New York, Hoa Kỳ) đạt 1.943 USD/ounce.

Trong phiên giao dịch rạng sáng ngày 4/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay dao động quanh ngưỡng 1.936 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex ở mức 1.946 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 27,3% tương ứng 415 USD/ounce so với hồi đầu năm 2020. Nếu quy đổi theo tỷ giá hiện tại, giá vàng thế giới tương đương khoảng 54,8 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và phí), thấp hơn khoảng 1,8 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều 3/9.

Giá vàng thế giới đang tăng trở lại sau đợt điều chỉnh giảm trong bối cảnh giới đầu tư gia tăng lo ngại đối với đà phục hồi yếu của Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một báo cáo mới đây của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) cho biết nợ công của nước này có thể sẽ vượt cả tổng quy mô nền kinh tế Hoa Kỳ trong năm tài khoá 2021 và chạm mức nợ cao nhất kể từ năm 1946. Nguyên nhân chủ yếu do các khoản chi tiêu công khổng lồ của chính phủ Hoa Kỳ tung ra trong thời gian vừa qua nhằm ứng phó các tác động của đại dịch Covid-19. CBO cũng dự báo thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ trong năm tài khoá 2020 sẽ ở mức 3.300 tỷ USD, tương đương 16% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Giá vàng cũng được hỗ trợ tăng lên sau khi Viện quản lý cung ứng ISM của Mỹ cho biết chỉ số phi sản xuất của Hoa Kỳ đã giảm từ mức 58,1 điểm trong tháng 7 xuống còn 56,9 điểm trong tháng 8, đánh dấu sự co hẹp của các hoạt động trong các nhóm ngành phi sản xuất tại nước này.

Tuy nhiên, đà tăng trở lại của giá vàng đang bị kìm hãm do xu hướng đồng USD tăng giá so với một số đồng tiền chủ chốt khác như đồng EUR và đồng bảng Anh. Trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia dự báo giá vàng thế giới có thể đi ngang sau đợt tăng vọt lên mức cao kỷ lục mọi thời đại – 2.000 USD/ounce hồi đầu tháng 8.

Tuy nhiên, giá vàng được dự báo còn tăng mạnh trong dài hạn. Đại diện Quỹ đầu tư U.S. Global Investors dự báo giá vàng thế giới có thể đạt mức 4.000 USD/ounce trong vòng 2-3 năm tới do các nước đang đẩy mạnh cung tiền nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Vừa qua, phát biểu tại Hội nghị các bộ trưởng tài chính Jackson Hole, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell đã chính thức cho biết FED duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong thời gian dài sắp tới. Các quốc gia trong khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) và Nhật, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cũng đang duy trì các chính sách bơm tiền mạnh.

Quang Đặng (Tham khảo Kitco News)