Giá vàng tuần cuối tháng 8 được dự báo có nhiều trợ lực đi lên sau hai tuần trồi sụt

Sau những diễn biến tăng giảm liên tục của giá vàng trong hai tuần qua, các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin về sức bật trở lại của kim loại quý này.

Giá vàng tuần qua giao dịch quanh ngưỡng 2.000 USD/ounce và chủ yếu bị chi phối bởi những đồn đoán xung quanh chính sách lãi suất sắp tới của Fed. Mặc dù nhích nhẹ trong phiên cuối tuần 21/8, song mức tăng này vẫn không đủ để giúp giá vàng thế giới đảo ngược đà giảm của cả tuần. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng Ba, kim loại quý này ghi nhận đà giảm giá kéo dài trong hai tuần liên tiếp.

Tính chung cả tuần, giá vàng thế giới đã mất 0,1%, theo số liệu của FactSet. Kết thúc tuần giao dịch, giá vàng ngày 23/8 ghi nhận giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.937,87 USD/Ounce, trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 10/2020 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.938,9 USD/Ounce.

Tại thị trường trong nước, theo diễn biến của giá vàng thế giới, giá vàng 9999 cũng ghi dấu tuần biến động mạnh của giá vàng trong nước. Tính đến cuối phiên giao dịch ngày 22/8, giá vàng 9999 niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 55,35 – 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Trong khi đó, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết tại Hà Nội ở mức 55,15 – 56,25 triệu đồng/lượng. Còn tại Phú Quý SJC, giá vàng 9999 được niêm yết tại Hà Nội ở mức 55,40 – 56,30 triệu đồng/lượng và tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 55,45 – 56,28 triệu đồng/lượng.

giá vàng trong nước
Giá vàng trong nước kết thúc ngày 22/8

Tuy nhiên, về xu hướng dài hạn, các nhà phân tích cho rằng sức hấp dẫn của kim loại quý này vẫn chưa thể mất đi, đặc biệt cần lưu ý đến biên bản họp của Fed đã nhắc lại rằng cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đang đối mặt với một triển vọng rất không chắc chắn và cần phải có thêm kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

 

biến động giá vàng
Biến động giá vàng thế giới trong tuần qua

Các quan chức Fed lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ mới để chống lại cuộc suy thoái do dịch COVID-19 gây ra, khi các biện pháp chi tiêu quan trọng đã hết hạn vào cuối tháng trước.

Giới chức Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell, đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nhưng hy vọng về một dự luật chi tiêu mới đang khá mờ nhạt trong những tuần gần đây, khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các cuộc đàm phán kéo dài.

Chuyên gia phân tích của Standard Chartered, Suki Cooper nhận định, triển vọng của vàng vẫn khá mạnh, nếu bỏ qua tâm lý bán tháo chốt lời ghi nhận trong tuần. 

Xét về dài hạn xu hướng tăng giá vàng vẫn sẽ duy trì do sự suy yếu của đồng bạc xanh và những kỳ vọng vào quy mô kích thích kinh tế cũng như lãi suất dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp hoặc âm.

Theo Lukman Otunuga, nhà nghiên cứu cấp cao tại FXTM, nhiều yếu tố cơ bản vẫn đang hỗ trợ giá vàng đi lên. Cụ thể là lợi suất trái phiếu chính phủ yếu đi, lo ngại về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và các kịch bản của nền kinh tế hậu bầu cử, đồng USD giảm giá, các ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở Mỹ sẽ có khả năng giữ cho vàng tỏa sáng trong trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích tại UBS cho rằng vàng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa danh mục đầu tư khi kim loại quý này được coi là “một cách để nắm bắt sự phục hồi kinh tế” và “là hàng rào phòng hộ trong môi trường lãi suất thấp”.

Đăng Huy